Lạnh người với cảnh mua bán “thần chết”

Thứ Ba, 29/03/2016, 09:36
Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, sau khi chiến tranh kết thúc, mảnh đất này vẫn còn sót lại trong lòng đất khối lượng “khổng lồ” vũ khí, vật liệu nổ. Cũng bởi hoàn cảnh đó mà Quảng Trị có những nghề… “độc”, như nghề “cưa bom”; rà tìm, buôn bán “thần chết”.


Điều khiến ai cũng giật mình, đó là hàng trăm điểm tập kết, thu mua, buôn bán “thần chết” này đều nằm trong các khu dân cư, tại hầu hết các địa phương trên địa bàn…

Đến các xã miền Tây Gio Linh, không khó để phát hiện ra các điểm thu mua phế liệu chiến tranh (người dân còn gọi là điểm thu mua “thần chết”, bởi sự nguy hiểm tiềm ẩn, khó lường của nó). Đó là những ki-ốt nằm cạnh những con đường liên thôn, xã; một khoảng sân ngay trước nhà, thậm chí một phần của căn nhà bếp, nơi mọi người trong gia đình thường vào ra sinh hoạt. 

Điểm thu mua lớn nhất ở đây phải kể đến là điểm của gia đình ông Nguyễn Văn Nuôi, ở thôn Xuân Mai, xã Gio Bình. Ông Nuôi làm nghề này đã gần 20 năm nay, thu mua tất tần tật phế liệu chiến tranh ở địa phương và các nơi khác đem đến bán, sau đó chất lên xe tải vận chuyển đi bán lại cho các cơ sở tái chế chúng. 

Điều nguy hiểm, trong hàng đống phế liệu đem đến bán này không chỉ có mảnh bom, vỏ đạn, mà còn có vô số vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, nhưng những người rà tìm ra chúng; hoặc không phân biệt được với phế liệu do đã hoen gỉ; hoặc cố tình bỏ lẫn vào để được thêm cân… 

Trước lúc mang hàng đi bán lại, chủ điểm kinh doanh này và người nhà phải mất khá nhiều thời gian phân loại phế liệu, trong đó có việc loại bỏ những vật liệu nổ ở một góc riêng, để rồi đem chúng vứt đi nơi khác. Tuy nhiên, những lúc thu mua được nhiều phế liệu, chủ và người nhà không kịp phân loại hết, số vật liệu nổ lẫn trong đống lớn chưa được phân loại nằm lại đó ngay trước cửa nhà hàng tháng trời...

Điểm thu mua phế liệu chiến tranh của gia đình ông Nguyễn Phúc nằm trong khu dân cư xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. 

Các thành viên rà phá bom mìn thuộc một tổ chức phi chính phủ ở Quảng Trị cho biết, sau khi tìm hiểu thực tế, biết được chủ các điểm thu mua phế liệu thường vứt bỏ các vật liệu nổ bừa bãi ngoài đồng ruộng, dưới các lòng sông, họ đã hỗ trợ các điểm này những chiếc thùng an toàn, nhằm khi phát hiện vật liệu nổ thì bỏ vào, chờ các đội rà phá bom mìn đến mang đi xử lý. Nhưng đáng buồn, có không ít người duy trì chỉ được thời gian đầu, về sau cứ vứt vật liệu nổ bừa bãi ở những góc sân, mà không biết nó rất nguy hiểm. 

Điều đáng nói, mỗi khi đã xảy ra nguy hiểm, chắc chắn sẽ không chỉ có những người mua phế liệu chiến tranh, mà hàng trăm con người khác ở xung quanh sẽ lãnh đủ tai họa này. Đơn cử như điểm thu mua của ông Nuôi còn nằm sát một ngôi trường cấp một với hàng trăm học sinh đến đây học mỗi ngày… 

Tương tự, tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa có điểm thu mua phế liệu chiến tranh rất lớn, do ông Nguyễn Phúc (64 tuổi) làm chủ. Ông Phúc đầu tư mặt bằng thu mua là một khoảng sân rộng hơn 100m². Tại đây chứa đủ thứ phế liệu chiến tranh, cùng nhiều loại bom đạn do ông thu mua, sưu tập từ hàng chục năm qua. 

Hỏi trung bình mỗi năm ông thu mua được bao nhiêu tấn phế liệu và bao nhiêu quả bom? Ông Phúc lắc đầu: “Mần răng tui nhớ được, vì có ngày thu mua được cả hàng chục tấn phế liệu, cùng hàng chục vỏ bom lớn. Phế liệu thì tui bán lại kiếm lời, còn vỏ bom lớn thì tui bán cho các bảo tàng”. 

Ông thu mua nhiều như vậy, hẳn trong những đống phế liệu người ta mang đến bán, không tránh khỏi tình trạng lẫn vào đó những quả bom mìn chưa nổ? “Nhiều lắm chứ, có khi ngồi chỉ một giờ mà nhặt ra hàng chục quả bom bi”, ông Phúc cho hay. Ông vứt hay tiêu hủy chúng? “Trước đây tui chôn lại chúng ở những nơi an toàn, sau này chỉ việc gọi điện thoại cho những đội rà phá bom mìn đến lấy mang đi nơi khác xử lý”. 

Chủ điểm thu mua này khẳng định cơ sở của ông chưa từng xảy ra sự cố nổ bom, đạn, nhưng nhiều người dân quanh vùng cho biết, đã có ít nhất 3 vụ nổ lớn, nhỏ tại đây, gây ra một số thiệt hại. 

Như năm 2014, một quả đạn lân tinh khá to bỗng phụt cháy giữa trưa nắng, ngay trong đống phế liệu trước sân nhà ông Phúc. Vụ cháy đã được những người làm công cho ông kịp thời dập lửa, mang quả đạn đi vứt xuống suối. Vụ trước đó là một tiếng nổ rất lớn, khiến hàng trăm người dân trong khu hoảng loạn. Sau sự việc, Công an Hướng Hóa đã đến lập biên bản xử lý…

Theo thống kê mới nhất của các tổ chức phi chính phủ giúp Quảng Trị rà phá bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này, có ít nhất 110 điểm thu mua phế liệu chiến tranh, trong đó hầu hết các điểm nằm trong khu dân cư rất nguy hiểm. 

Cũng theo thống kê này, từ sau giải phóng đến nay, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ sót lại, làm hơn 8.500 người thương vong, trong đó có không ít vụ xảy ra tại các điểm thu mua phế liệu chiến tranh kể trên. 

Để hạn chế tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án, trình UBND tỉnh này xin phê duyệt tiếp tục rà phá bom, mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh giai đoạn 2016- 2020, giảm thiểu tối đa mối nguy hại do bom, mìn sau chiến tranh để lại.

Phan Thanh Bình
.
.
.