Làng nghề dầu tràm trước nguy cơ công nghệ sản xuất 'siêu tốc'

Thứ Sáu, 29/05/2015, 10:42
Từ một làng nghề truyền thống với sản phẩm chiết xuất dầu tràm được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng, nhưng vì lợi ích kinh tế nên một số hộ dân ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã sử dụng “công nghệ” sản xuất dầu tràm siêu tốc bằng cách sử dụng nhiều loại dung dịch, chất lỏng... thay thế cho phương pháp thủ công. Việc làm này khiến thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy mất dần chỗ đứng trên thị trường…

Những năm về trước, thời điểm hè về, khi khách du lịch nườm nượp đổ về Huế cũng là lúc hàng chục lò nấu dầu tràm ở phía Nam đèo Phước Tượng, thuộc xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) đỏ lửa suốt ngày đêm. Thậm chí có nhà sử dụng đến 2-3 lò, vẫn không sản xuất đủ hàng để bán.

Thế nhưng, theo anh Nguyễn Tiến Huy (30 tuổi, ở thôn Phú Cường, Lộc Thủy), gia đình vốn có 2 đời theo nghiệp làm dầu tràm thì nghề sản xuất tinh dầu ở vùng quê nơi đây đang “chết đứng”, vì thiếu đầu ra do kiểu làm ăn chụp giật.

Anh Huy cho hay, nghề dầu tràm ở Phú Lộc đã tồn tại trên 100 năm, xuất phát từ việc người dân hái lá tràm ở rừng đưa về nấu nước xông để chữa bệnh. Thấy công dụng đặc hiệu từ lá tràm, dần dần bà con học cách chiết xuất lá tràm này thành tinh dầu để bán.

Đỉnh cao của làng nghề dầu tràm Lộc Thủy là quãng thời gian đầu những năm 2000, khi các rừng tràm tự nhiên trên địa bàn còn nguồn nguyên liệu phong phú. Còn bây giờ, nguồn nguyên liệu cạn kiệt, để có tràm chiết xuất ra dầu, bà con phải lặn lội vào các khu rừng xa xôi dọc đồi cát hoặc mua lại từ các đầu mối...

Thiếu nguồn nguyên liệu, cộng thêm nhiều cửa hàng dầu tràm mọc lên như nấm dọc hai bên QL1A, từ đó một số người ở Lộc Thủy đã nghĩ ra “chiêu” sản xuất dầu tràm “siêu tốc”, bằng cách sử dụng các dung dịch chế sẵn được bán trôi nổi ở các chợ. Dầu rởm được tung ra thị trường khiến thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy dần mất uy tín.

Nhiều cơ sở sản xuất dầu tràm có tiếng ở xã Lộc Thủy điêu đứng vì xuất hiện dầu tràm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Trước thực trạng này, những hộ dân theo nghề truyền thống đã làm đơn “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp.

Qua quá trình theo dõi, đến giữa tháng 4/2015, Công an huyện Phú Lộc đã lập biên bản thu giữ hơn 1.700 chai dầu tràm chứa dung dịch màu vàng, trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại điểm kinh doanh dầu tràm của bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa (trú thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy).

Tại cơ quan điều tra, bà Hoa khai nhận, đã mua số dung dịch trên ở chợ Đông Ba, với giá 50.000 đồng/lít rồi đưa về sang chiết thành nhiều chai nhỏ sau đó dán nhãn mác “Dầu tràm nguyên chất”, “Dầu tràm Thiên An”... để bỏ mối cho các quầy tạp hóa và điểm bán dầu tràm sỉ, lẻ dọc QL1A đoạn qua địa bàn xã Lộc Thủy, Lộc Tiến và thị trấn Lăng Cô...

Theo bà Hoàng Thị Lệ, một hộ dân có kinh nghiệm nấu dầu tràm hơn 30 năm qua ở xã Lộc Thủy, để tinh luyện ra 1 lít dầu tràm không phải dễ dàng. Bởi phải mất 1 tuần lễ mới chiết ra được dầu tràm từ nguyên liệu, nên việc nhiều hộ dân bán dầu tràm giá từ 15-30 nghìn đồng/chai dung tích 120ml chính là dầu rởm.

“Nếu dầu thật chính gốc thì không ai bán với giá rẻ mạt như vậy mà đúng giá là 130 nghìn đồng... Trên hết, vì tâm lý ham rẻ nên lúc nào người mua cũng thích loại rẻ tiền, vì thế mà mua phải “hàng đểu”. Dầu tràm Lộc Thủy chết dần là vì rứa đó chú ạ”, bà Lệ bày tỏ nỗi niềm.

Ông Trương Viết Đính, Chủ nhiệm HTX sản xuất dầu tràm Lộc Thủy, khẳng định: “Chính vì cách làm ăn gian dối, chụp giật đã khiến lượng tiêu thụ dầu tràm của xã trên thị trường giảm mạnh”. Theo ông Đính, nếu trước đây, bình quân mỗi ngày mỗi lò bán được từ 15-30 chai dầu tràm, chưa kể việc bỏ mối cho các đại lý trên địa bàn TP Huế, thì nay nhiều lò chỉ hoạt động cầm chừng.

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết thêm, nghề sản xuất dầu tràm của xã đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận vào năm 2011. Công dụng hữu hiệu của dầu tràm ở xã khiến người dân trên khắp cả nước ưa chuộng, thậm chí có nhiều lò còn xuất dầu tràm sang bán tại Lào, Thái Lan với hiệu quả kinh tế rất cao.

“Tuy nhiên, việc dầu tràm chính hiệu đang bị cạnh tranh không lành mạnh với các loại dầu được sản xuất “siêu tốc”, chất lượng thật giả lẫn lộn là điều đáng tiếc. Hiện, xã đã buộc các hộ sản xuất, kinh doanh dầu tràm ký cam kết không bán dầu rởm, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, bán dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ...”, ông Hữu nêu giải pháp với hy vọng cứu lấy thương hiệu dầu tràm địa phương.

Anh Khoa
.
.
.