Làm giàu từ mô hình vườn trại sau ngày được đặc xá

Thứ Sáu, 09/06/2017, 08:08
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang là một trong những nơi thực hiện tốt Nghị định số 80/2011 của Chính phủ về công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, góp phần tạo điều kiện cho những con người một thời lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Từ các địa bàn xuất hiện những điển hình tiêu biểu trở thành những người có ích cho xã hội.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hà Giang, chúng tôi tới thăm gia đình vợ chồng anh Vũ Văn Lâm và chị Phạm Thị Mỳ ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang (Hà Giang). Đây là trường hợp điển hình trở về tái hòa nhập cộng đồng, gượng dậy sau cú “vấp ngã”, vươn lên trong cuộc sống và tích cực lao động sản xuất…

Cách đây hơn 6 năm, vợ chồng anh Lâm, chị Mỳ bị tuyên phạt 7 năm tù giam về tội danh mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, chấp hành án tại Trại Tạm giam Quyết Tiến, Bộ Công an. Đến ngày 6-4-2016, nhờ cải tạo tốt, chị Mỳ được đặc xá ra tù trước thời hạn và 23 ngày sau anh Lâm cũng được đặc xá ra tù trước thời hạn trở về địa phương.

Nhớ lại thời điểm đó, chị Mỳ cho biết: “Lúc biết tin mình được đặc xá ra tù trước thời hạn, hai vợ chồng mừng lắm, nhưng càng gần tới ngày được trở về với gia đình, với địa phương thì cả hai lại băn khoăn, suy nghĩ không biết khi ra tù rồi sẽ bắt đầu lại từ đâu để ổn định cuộc sống cũng như làm thế nào để đối diện với anh em, họ hàng, bà con lối xóm về những lỗi lầm trước đây, là người từng mang tiền án, có thời gian chấp hành án phạt tù”…

Với tâm lý mặc cảm, tự ti, thời gian đầu, cả hai vợ chồng không dám gặp gỡ mọi người nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Bắc Quang, Công an tỉnh Hà Giang, anh chị đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng gia sản xuất.

Chị Phạm Thị Mỳ chăm sóc đàn gà thương phẩm của gia đình.

“Mỗi lần nhìn thấy hai cậu con trai mình ngoan ngoãn, chăm học, vợ chồng mình càng nghĩ, càng mong sao sớm là người có ích cho xã hội, bỏ lại sau lưng những sai lầm ngày trước”, chị Mỳ chia sẻ với chúng tôi. Hiện nay, con trai đầu của anh chị đã lập gia đình riêng và cùng với bố mẹ xây dựng trang trại, còn con trai út mới tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Xác định tầm quan trọng của công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng nên những năm qua, Công an huyện Bắc Quang cũng như các đơn vị chức năng Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền động viên kịp thời người chấp hành xong án phạt tù có địa chỉ tại địa phương, tạo điều kiện để họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Trường hợp của vợ chồng anh Lâm, chị Mỳ đã thực sự trở thành một điểm sáng trong công tác giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là một điển hình tiêu biểu để những con người một thời lầm lỗi nhìn vào, học tập, xóa bỏ mặc cảm, kỳ thị, vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành người công dân lương thiện, sống có ích cho xã hội…

“Không ai mong muốn mình bị tù tội, nhưng khi đã trót phạm sai lầm thì họ đã phải trả giá với những tháng ngày bị giam giữ, cải tạo khi trở về họ cũng như bao người bình thường khác. Nhưng để quyết tâm đứng lên sau vấp ngã không phải ai cũng có thể làm được, việc tái hòa nhập cộng đồng trước tiên chính người chấp hành xong án phạt tù phải xóa bỏ được mặc cảm, tự ti, quên đi quá khứ lầm lỗi. Bên cạnh sự nỗ lực của họ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương phải thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, động viên thì mới đạt hiệu quả được” - Thượng tá Vũ Hồng Vân, Phó trưởng Công an huyện Bắc Quang chia sẻ.

Chia tay vợ chồng anh Lâm và chị Mỳ, nhìn lại cơ ngơi, gia đình đầm ấm, hạnh phúc của hai vợ chồng anh Lâm và chị Mỳ chắc chắn sẽ khiến nhiều gia đình khác phải ước ao. Vậy là sau hơn một năm tái hòa nhập cộng đồng, anh chị đã có một trang trại rộng 0.56ha trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, anh chị đã ươm trồng được trên 500 gốc bưởi da xanh, 70 gốc ổi găng đến nay đã bắt đầu cho quả.

Vừa qua gia đình đã nuôi và bán ra được 15 con lợn, 7 con dê, 50kg ổi thu về số tiền gần hàng chục triệu đồng. Sắp tới hai vợ chồng anh chị còn mở rộng mô hình chăn nuôi lợn đen để nâng cao thu nhập. Song song với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh chị còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn một số hộ gia đình khác tham gia trồng cây, làm trang trại, phát triển kinh tế…

Thảo Vy - Diệu Loan
.
.
.