Lại nơm nớp nỗi lo thiếu nước sinh hoạt
Sinh hoạt đảo lộn
Khoảng nửa tháng nay, khu vực nhà chị Hoàng Thị Hiếm (Khương Thượng, Đống Đa) rơi vào cảnh nước sinh hoạt được cấp “bữa đực bữa cái”. Chia sẻ về tình trạng mất nước khu nhà mình, chị Hiếm cho biết, tối đến cả gia đình mới ở nhà đông đủ nhưng nước sạch hôm có hôm không.
“Có hôm về đến nhà, đi nấu cơm thì không có nước, vợ chồng con cái lại lục tục kéo nhau đi ăn ở ngoài. Không có nước tắm giặt, cả nhà lại kéo nhau ra khách sạn thuê một phòng khoảng 2 tiếng đồng hồ với giá 200 nghìn đồng để tắm giặt.
Cư dân chung cư Mulberry Lane thiếu nước sinh hoạt dù mới chớm hè. |
Vài lần trở thành khách quen, biết nhà mình thuê phòng chỉ để tắm nên lễ tân khách sạn còn cảm thông chỉ lấy có 50 nghìn một lần. Tuy nhiên, nước sạch là nhu cầu tất yếu, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ không thể chấp nhận được, các nhu cầu khác có thể bớt chứ ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt thì làm sao mà cắt xén được”, chị Hiếm chia sẻ.
Theo thông tin của cư dân Chung cư Viện 103 (Hà Đông), thời điểm này, hầu hết các bể nước đều không có nước sử dụng. Cảnh người dân phải tập trung ở các giếng để múc từng gáo nước đánh răng, rửa mặt hay để nấu cơm không hề xa lạ. Thậm chí, có người phải sử dụng lại nước rửa rau để giặt quần áo, tận dụng nước điều hòa để lau nhà, phải mua thùng, đồ chứa về chứa nước hay hứng nước mưa để sử dụng, thậm chí còn phải “nhịn” tắm, “nhịn” đi vệ sinh…
Theo chia sẻ của cư dân Chung cư Viện 103, tình trạng mất nước đã kéo dài hơn 2 tuần nay. “Gia đình chúng tôi từ già đến trẻ vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh mất nước triền miên trong khi thời tiết nắng nóng như thế này thì làm sao chịu nổi. Nguyên nhân mất nước được thông báo là do hỏng Trạm cấp nước số 3 và vỡ đường ống dẫn nước sông Đà”, một cư dân Chung cư Viện 103 cho hay.
Nhiều khu vực sẽ còn khó khăn về nước sạch
Đại diện đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy… ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Viwaco cho biết, nhiều chung cư cao tầng, khu đô thị, khu tái định cư, khu công nghiệp đi vào sử dụng nên địa bàn cấp nước liên tục mở rộng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt càng tăng.
Với tổng số 140.000 khách hàng khu vực phía Tây Nam Hà Nội, dự kiến trong mùa hè năm 2018, nhu cầu sử dụng là khoảng 200.000m3/ngày đêm, tăng 9.000m3/ngày đêm so với năm ngoái. Trong khi đó, khả năng cấp nguồn của công ty chỉ là 176.000m3/ngày đêm, thiếu hụt khoảng 24.000m3/ngày đêm.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay nắng nóng sẽ không quá gay gắt. Trong khi đó, hệ thống cấp nước sạch của Hà Nội được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày đêm nên áp lực thiếu nước sạch sinh hoạt sẽ đỡ hơn.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, do tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%), dự báo việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ còn khó khăn vào thời gian cao điểm mùa hè.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đường ống nước sông Đà truyền tải gần 220.000 m3 nước sạch/ngày đêm, chiếm 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội, vẫn đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sự cố, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Tây Nam thành phố, gồm các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm; các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình cũng sẽ rơi vào cảnh thiếu nước.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, khi vào cao điểm nắng nóng, dự kiến Hà Nội sẽ thiếu một lượng lớn nước sinh hoạt, do đó sẽ có nơi phải cấp nước theo giờ hoặc dùng xe téc hỗ trợ và các đối tượng được ưu tiên là: bệnh viện, trường học…
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đảm bảo cấp nước cho người dân, nếu xảy ra các sự cố như vỡ đường ống nước, thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ/điểm vỡ; bên cạnh đó phải tập trung thi công hoàn thành tuyến truyền dẫn cấp nước số 2 sông Đà, trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến vành đai 3 như cam kết. "Mục tiêu của Sở là bảo đảm chất lượng nước, bảo đảm sản xuất và cung cấp với tổng công suất khoảng 1.046.479 m3/ngày đêm”, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội đặt ra.