Nỗi đau tột cùng của gia đình nữ sinh tình nguyện tử vong

Thứ Ba, 05/07/2016, 10:42
Chiều 4-7, tang lễ của 2 sinh viên tình nguyện trường ĐH Ngoại thương là Vũ Thị Xoa (quê ở Hải Dương) và Nguyễn Thị Hải (quê ở Nghệ An) được tổ chức ở quê nhà trước nỗi đau tột cùng của người thân, bạn bè và bà con lối xóm.


Trước đó, chiều 3-7, thi thể nữ sinh viên Nguyễn Thị Ngân cũng được án táng tại nghĩa trang Ngọc Long, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trước đó, ngày 29-6, ba nữ sinh viên xuất sắc trong đoàn 21 sinh viên trường ĐH Ngoại thương tham gia hoạt động tình nguyện “Mùa hè xanh” đã đến xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Và thật đau xót khi 3 ngày sau, ba em đã bất ngờ bị lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn cầu Pác Hooc.

Lá vàng khóc lá xanh

Trưa 4-7, chúng tôi đến nhà sinh viên Nguyễn Thị Ngân ở khu Vân Trì 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội khi trong nhà đang có đông bạn bè, hàng xóm đến hỏi thăm, động viên cha mẹ Ngân vượt qua nỗi đau mất con. Em gái Ngân luôn túc trực bên di ảnh của chị, nỗi mất mát quá lớn làm cho em không nói nên lời. Bạn bè của Ngân ai cũng mắt sưng đỏ, có người đến hôm nay vẫn chưa tin sự thật là Ngân đã ra đi mãi mãi. 

“Vào khoảng 1h30 ngày 3-7, khi em đang ngủ thì nhận được tin Ngân mất từ một người bạn. Đó là giây phút em như bị điên loạn. Em hét toáng lên vì quá sốc và không thể tin đó là sự thật” - em Phạm Thu Hà, sinh viên lớp Anh 3, K54 trường ĐH Ngoại thương nhớ lại giây phút kinh hoàng đó. 

Đôi mắt đỏ hoe của Hà khiến những người có mặt trong nhà Ngân lúc đó ai cũng như muốn òa vỡ. Hà kể: “Do hai người sinh hoạt ở 2 câu lạc bộ khác nhau nên em không tham gia đi tình nguyện cùng Ngân. Ngày 2-7, chúng em vẫn còn trò chuyện với nhau qua Facebook. Ngân kể đã đến Bình Liêu, Quảng Ninh nhưng do trời mưa nên chỉ ở trong phòng. Sau đó, em còn dặn bạn cẩn thận và giữ gìn sức khỏe”. 

Nỗi buồn tê tái trong căn nhà của nữ sinh Nguyễn Thị Ngân.

Trong ký ức của Hà, cô bạn nhỏ nhắn dễ thương là một người cực kỳ tốt bụng, thân thiện, nhiệt tình với bạn bè và đặc biệt rất chăm chỉ, nỗ lực trong học tập, đã đặt ra mục tiêu gì thì luôn cố gắng hết mình. Không chỉ Hà mà ai cùng khóa biết Ngân đều tỏ ra hết sức khâm phục cô gái ấy.         

Chị Đặng Thị Huệ (mẹ Ngân) mấy hôm nay như mất hồn, vừa lo tang lễ cho con vừa dồn nén nỗi đau thấm đến tâm can khiến chị gần như quỵ ngã. Kể về con gái, chị bật khóc nức nở: 

“Cháu nói là đi tình nguyện 10 ngày ở huyện Bình Liêu, có anh trưởng đoàn là người ở đó nên tôi cũng yên tâm. Cháu bảo tôi mua cho đôi găng tay để ra đó lao động giúp dân. Ngày 29-6 cháu đi, mẹ gọi điện ra con vui vẻ khoe đang ở trường học, kể chuyện về nơi ăn chốn ở như thế nào. 

Ngày thứ hai tôi không thấy cháu điện về. Ngày thứ ba gia đình không liên lạc và cũng không thấy cháu gọi về. Tự dưng buổi chiều hôm đó điện thoại của tôi hết pin, khi cắm sạc máy không hoạt động và bị hỏng nên không nhận được thông tin nào về cháu. 

Cho tới 2h sáng ngày 3-7, có người gọi cửa. Thấy một đoàn người của Ủy ban phường tới nhà, tôi đã linh cảm có điều không hay. Các bác ấy chỉ nói, cháu Ngân đi tình nguyện bị mất tích. Chân tay tôi bủn rủn, không biết gì nữa nhưng vẫn hy vọng con chỉ mất tích ở đâu đó thôi. 

Nhưng đến sáng 3-7, tôi nhận được điện thoại của một bác lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói rằng cháu mất rồi thì tôi không còn biết gì nữa. Tôi chỉ hy vọng khi tìm thấy con, con vẫn chưa mất, bác sĩ vẫn cứu được con…”.

Khi bị nước lũ cuốn trôi, điện thoại di động của Ngân để trong hành lý ở điểm trường, vì thế mà bạn bè không có số để liên lạc về gia đình. Nhận hung tin, vợ chồng chị Huệ bị sốc nên cả gia đình đã cử 4 người thân đi Quảng Ninh đón nhận thi thể cháu. Bố Ngân mấy năm nay đau ốm, tinh thần nhiều lúc không tỉnh táo. Mẹ là công nhân đã nghỉ hưu, hiện đang làm thêm nghề sơn, chị luôn tự hào về hai cô con gái ngoan hiền và học giỏi của mình. 

“Khi thi vào trường ĐH Ngoại thương cháu đạt 25,5 điểm. Năm lớp 12 cháu được học bổng 50% đi học ở Nhật và 70% học ở Hàn Quốc nhưng cháu bảo con ở nhà học cũng được, con không muốn bố mẹ phải vay nợ”, chị Huệ lại bật khóc. Dưới Ngân có một em gái học lớp 12 chuyên Sử trường THPT chuyên Amsterdam, hai lần đoạt giải nhì học sinh giỏi môn Lịch sử TP Hà Nội. Vậy mà, một nữ sinh viên học giỏi như Ngân lại ra đi khi còn bao hoài bão, ước mơ dang dở.

Sẽ đề xuất chế độ chính sách cho các sinh viên tử nạn

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, anh Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Đoàn trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Cả 3 nữ sinh viên bị tử nạn đều có thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo, đều là thành viên tích cực của CLB kinh doanh quốc tế”. 

Em Nguyễn Thị Hải, 19 tuổi, quê huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An sinh ra trong một gia đình có bố nghỉ hưu sớm ở một nhà máy ở huyện để ra Hà Nội làm bảo vệ. Mẹ ở nhà lao động và buôn bán tại chợ. Từ nhỏ cho đến khi học đại học, Hải là cô bé chăm ngoan, học giỏi và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Không những thế, cô còn mang theo ước mơ được kết nạp Đảng trong quá trình học đại học. 

Còn sinh viên Vũ Thị Xoa, quê huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng luôn là học sinh giỏi toàn diện từ lớp 1 đến lớp 12. Em thi đỗ 2 trường đại học và luôn tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt đoàn, hội.

Theo anh Triệu thì chương trình tình nguyện “Mùa hè xanh” của trường ĐH Ngoại thương hè 2016 có 20 đội, đội đi xã Tình Húc, huyện Bình Liêu có 21 sinh viên. Cả đội tình nguyện tại Quảng Ninh đều đã mua bảo hiểm và đang chờ cơ quan bảo hiểm làm thủ tục thanh toán. Nhận được thông tin, bản thân anh và nhà trường đều hết sức đau xót. Trong 10 năm tham gia hoạt động tình nguyện, trường ĐH Ngoại thương chưa bao giờ bị tổn thất, mất mát nặng nề như vậy. 

“Trung ương đoàn và Thành đoàn Hà Nội có nói sẽ xem xét chế độ chính sách cho ba sinh viên. Sau tang lễ của các em, Đoàn trường sẽ họp và nhà trường sẽ có báo cáo, đề xuất gửi lên cấp trên” – anh Triệu cho biết.

Sáng 4-7, Thành đoàn Hà Nội đã triệu tập các trường ĐH, CĐ đang có hoạt động tình nguyện để kiểm tra, quán triệt và nhắc nhở. Đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên các trường khẩn trương rà soát tổng thể các đội tình nguyện, đặc biệt rà soát tình hình hoạt động của các đội tình nguyện đối với những địa bàn nguy hiểm, có nguy cơ rủi ro cao như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, phải có phương án thay đổi địa điểm và nội dung hoạt động để đảm bảo an toàn. Rà soát các hoạt động tình nguyện tự phát, không theo chỉ đạo của đơn vị để có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế rủi ro.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.