Kỳ tích du lịch Việt

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:07
Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Năm nay, du lịch Việt Nam đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với 2016; mức tăng 3 triệu khách trong 1 năm được coi là kỳ tích tăng trưởng của Du lịch Việt Nam kể từ khi thành lập ngành…


Ngay từ đầu năm, những chuyên gia du lịch, những nhà quản lý lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng ra được kết quả ngoạn mục này. Đây sẽ là “bàn đạp” để đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai”.

Những “điểm cộng” của du lịch Việt Nam

Năm 2017 là một năm ghi lại những dấu ấn lịch sử của ngành Du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch năm 2017 và Việt Nam đạt mức tăng trưởng lẫn con số tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng. Tính chung 2 năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015… Đây là mức tăng chưa từng có từ trước đến nay.

Từ góc độ lữ hành, bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, góp phần vào thành công ấn tượng của ngành du lịch, năm 2017 Lữ hành Saigontourist đã phục vụ 870.000 lượt du khách trong nước và quốc tế, đạt mức tổng doanh thu chuyên doanh lữ hành trên 4.250 tỷ đồng, với mức tăng trưởng 10%.

Điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách là những điểm cộng của du lịch Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực tàu biển, trong năm 2017, Saigontourist đã đón và phục vụ nhiều tàu biển quốc tế cao cấp đến tham quan Việt Nam, với tổng số 210 lượt chuyến tàu cập cảng tại TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Hạ Long. Tổng cộng cả năm, công ty đã phục hơn 400.000 lượt du khách và thuyền viên tàu biển đa quốc tịch, tăng hơn 30% so với năm 2016.

Với nỗ lực không ngừng mở rộng mạng lưới kết nối ra thế giới, Saigontourist cùng các đơn vị lữ hành trong nước đẩy mạnh khai thác nhiều thị trường du lịch mới giàu tiềm năng, đẩy mạnh thu hút nguồn khách dồi dào từ các nước vào Việt Nam.

Đánh giá cao những kết quả của ngành du lịch trong năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Du lịch đã góp phần tăng trưởng dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác. Không chỉ qua những chỉ tiêu chủ yếu, vị thế của ngành du lịch còn thể hiện qua những đánh giá của quốc tế: Việt Nam đứng ở vị trí 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017.

Trong đó, công tác xúc tiến du lịch có nhiều thay đổi tích cực khi Tổng cục Du lịch đã cùng các DN hệ thống lại các hội chợ du lịch quốc tế, huy động được nhiều DN lớn tham gia, đặc biệt hoạt động xúc tiến du lịch trên môi trường mạng, qua mạng xã hội. Thủ tục nhập cảnh được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian một bước. Hạ tầng giao thông tốt hơn.

Môi trường du lịch có nhiều tiến bộ dù chưa được như kỳ vọng. Nhiều dự án, hạng mục du lịch đẳng cấp, hiện đại, do các tập đoàn, DN lớn triển khai cách đây 4-5 năm, đi vào hoạt động tạo sự thay đổi về chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành thương hiệu mạnh của các điểm đến.

Nhận định về ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng vui mừng cho biết: Du lịch đã có bước tăng trưởng ngoạn mục. Mức tăng trưởng đó tuy chưa thể so với các nước trong khu vực, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, con số đó thật sự ấn tượng, có thể nói là kỳ tích.

Đây là cả một quá trình dài nỗ lực của Chính phủ, ngành du lịch cùng các bộ ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất có thể nói sự hỗ trợ về chính sách là nguyên nhân quan trọng hàng đầu.

Nếu không có việc Chính phủ quyết định miễn visa cho du khách từ 5 nước Tây Âu thì không thể tạo ra được cú hích tăng trưởng cho du lịch trong năm qua. Thị trường Tây Âu rất quan trọng với nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.

Bên cạnh đó, môi trường du lịch tiếp tục được cải thiện. Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện công tác chấn chỉnh an ninh trật tự tại các điểm đến, bảo đảm an toàn cho du khách. Chính trị ổn định, hình ảnh về điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách là những điểm cộng trong mắt du khách nước ngoài khi nhắc tới Việt Nam.

Phấn đấu đón 16 triệu lượt khách quốc tế

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá: “Việt Nam không còn là điểm đến du lịch xa lạ. Quốc gia này hấp dẫn bởi nền văn hóa lịch sử lâu đời, ẩm thực phong phú và cảnh quan tự nhiên hấp dẫn”.

Trên thực tế, du lịch Việt Nam đang có thương hiệu rất lớn trên thị trường thế giới. Rất nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới được trao cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là Tổng cục Du lịch cũng được nhận rất nhiều giải thưởng.

Đây là sự công nhận, vinh danh cao quý của các tổ chức, của cộng đồng du lịch nước ngoài dành cho du lịch Việt Nam. Bước sang năm 2018, ngành du lịch phát triển dựa trên nền tảng mới với nhiều thuận lợi. Chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đã tương đối đồng bộ.

Các động lực tạo đà cho sự phát triển từ các nhà đầu tư, DN kinh doanh du lịch vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển tích cực. Việt Nam ngày càng liên kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế, ở vị trí kết nối thuận tiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động.

Hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, chất lượng đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Theo đó, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu đón trên 15,5-16 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống; thực hiện các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, tập trung vào hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác công-tư, liên kết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong phát triển du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, tập trung vào quản lý điểm đến, kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

“Trong năm 2018, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Xã hội đang rất quan tâm đến du lịch; doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng quan tâm đến lĩnh vực đầy hấp dẫn và phát triển bền vững này. Vì thế, ngành du lịch cần tận dụng cơ hội này và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Đây là lợi thế của du lịch Việt Nam và rất cần sự chung tay, ủng hộ của cả xã hội vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp”, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Tết Dương lịch năm 2018 rơi vào các ngày nghỉ cuối tuần nên người dân được nghỉ 3 ngày liên tục (từ ngày 30-12-2017 đến hết ngày 1-1-2018). Dù đây chưa phải giai đoạn cao điểm du lịch, nhưng sức nóng từ các đoàn khách khởi hành liên tục tại các đơn vĩ lữ hành đã tạo nên một không khí tươi vui và phấn khởi dịp đầu năm mới 2018. Đối với tour trong nước, khách hàng quan tâm nhiều nhất là các tour ngắn ngày từ 2 - 3 ngày để trải nghiệm sự khác biệt và sự đa dạng văn hóa các vùng miền như Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang…, hoặc du lịch tới miền Nam Trung Bộ, miền Nam tận hưởng không khí nắng ấm như Cần Thơ, Phú Quốc, Nha Trang…

Đối với tour nước ngoài, ngoài tour tầm trung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc thu hút nhiều du khách, thì các tour Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Hồng Kông… vẫn đứng đầu về lượt khách đăng ký. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, thuận tiện khi di chuyển, địa điểm mua sắm uy tín... mang đến du khách cảm xúc thăng hoa trên mỗi chặng đường tour.

Lưu Hiệp
.
.
.