Hiến kế, tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM
Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học bàn các giải pháp chống ngập khẩn cấp cho TP Hồ Chí Minh, có mời các chuyên gia nước ngoài tại các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tham gia. Các giải pháp được đề cập đến như: xây hồ điều tiết nước, nhiều chuyên gia cho rằng không khả thi, tốn kém gần 100.000 tỷ đồng, chắc chắn không thể làm giảm ngập.
Những cảnh ngập thường xuyên do triều cường và mưa to. |
TS Phạm Sanh - Chuyên gia giao thông đặt vấn đề, phải xem lại toàn bộ giải pháp chống ngập trong đô thị lâu nay, cường độ lượng mưa hiện nay có đúng với số liệu dự báo trước đây chưa? Về cống thoát nước, cần xem lại quy định tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đã lạc hậu đến đâu. Các giải pháp của TP vẫn đang loay hoay xoay quanh khu vực ngoài đô thị như cống ngăn triều, đê, trong khi bài toán mưa trong đô thị không thấy. Bộ Xây dựng chưa có ý kiến trả lời câu hỏi tiêu chuẩn thiết kế cống thoát nước mưa chỉ có trên 90 mm có còn phù hợp không, vì đã có những trận mưa trên 100 mm? Đặc biệt, thiết kế chu kỳ ngập cống hiện chỉ có 5 năm trong khi cường độ mưa 10-20 năm tới dự báo sẽ ra sao?
Nhiều chuyên gia trong và nước ngoài đã đề ra những giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh bao gồm giải pháp khẩn cấp, ngắn hạn, dài hạn. Nhóm chuyên gia đến từ các quốc gia Nhật Bản, Đài Loan, Maylaysia và một số nước Châu Âu đã đề xuất 6 giải pháp tổng thể và các biện pháp cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, nước ngập ở TP Hồ Chí Minh hiện ở mức báo động đỏ.
Với 68 điểm ngập (thống kê tháng 5/2015), thì thành phố phải tính tới tình huống xấu nhất khoảng 12% dân số chịu thiệt hại thiên tai, 23% đất đai bị xói mòn không sử dụng được, thậm chí GDP có thể bị kéo giảm do phát sinh lũ lụt lớn. Trong khi các giải pháp chống ngập đã và đang triển khai chưa đáp ứng thực tế.
Theo đó, cần có các giải pháp tăng lưu lượng thoát nước thông qua tăng tiết diện của hệ thống thoát nước, tính toán lại mực nước thiết kế, mở rộng và nâng cấp hệ thống thoát nước thải toàn thành phố. Quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời. Ngoài ra cũng cần tính các công trình lâu dài với tầm nhìn đến năm 2050.
Sở GTVT TP cho biết về lâu dài, phải thực hiện nạo vét sông, kênh rạch nhằm tăng dung tích trữ nước và cấp bách xây dựng hồ điều tiết để phân tán nước, giảm áp lực cho hệ thống thoát nước. Ông Nguyễn Ngọc Công - GĐ Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP khẳng định, đây là giải pháp không chỉ giúp giảm ngập mà còn có thể tận dụng được lượng nước mưa cho sản xuất và sinh hoạt.
Muốn chống ngập thành phố, không chỉ huy động, tìm kiếm nguồn vốn kinh phí, mà còn phải thay đổi tư duy và hành động. Các thành phố của Hà Lan, đất nước có hơn một nửa nằm âm sâu dưới mực nước biển, nhưng được bao bọc bởi các con đê rất lớn, vững chắc.
Trên mặt phố, có rất nhiều cầu quay, kênh rạch cắt sẻ các khu phố vừa rất đẹp, vừa dễ thoát nước xuống kênh, sông khi có mưa. Dưới đất là hệ thống cống thoát như mạng nhện lớn nhỏ chi chít. Đường đi lại nội bộ được trải đá dăm mịn, nhỏ hoặc cát sỏi và lát gạch đặt nghiêng không như chúng ta tráng xi măng, lát gạch, đá nhẵn làm nước không còn chỗ thấm vào đất. Cùng với việc bảo vệ rất sát sao các cửa cống thoát, rào lưới ngăn các loại rác bẩn, vật cứng có nguy cơ làm tắc nghẽn giúp nước mưa trút xuống dễ dàng thoát xuống kênh rạch…
TP Hồ Chí Minh bao giờ hết ngập? Chúng ta không thể nâng cốt nền thành phố (trừ huyện Cần Giờ) lên cao từ 1,5m đến 2m. Việc xây dựng hệ thống đê bao quanh thành phố dài hàng ngàn kilomet với nền móng chân sâu 15m - 20m không những không đảm bảo kinh phí mà còn không đảm bảo về yếu tố địa chất, địa lý… TP Hồ Chí Minh rộng 2.100 km², gần 12 triệu dân sinh sống thì kiểu xóa ngập như hiện nay chắc chắn không bao giờ hết ngập. Đặc biệt do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hiện nay. Cuộc rượt đuổi sẽ không có hồi kết bởi khi nâng đường, nâng nhà lên cao, nước ngập chảy dồn về nơi thấp hơn làm hẻm thành suối, đường thành sông và nhà nơi đó thành ao hồ.
Thực tế cho thấy, cần phải thay đổi tư duy và phương cách hành động. Trước hết, phải chuyển từ “chống ngập triệt để” bị động, sang chủ động “điều tiết nước có tính toán”, từ “chống ngập bị động” sang “thích nghi tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro”. Theo dõi diễn biến thời tiết có thể thấy, gần một thế kỷ qua, triều cường chỉ làm mực nước cao ở lưng chừng dao động 1,3m-1,4m. Nhưng năm 2013, đỉnh triều cao đạt 1,63m tưởng như lịch sử phải nhiều năm mới lặp lại. Nhưng năm 2014, đỉnh triều vượt lên 1,7m và dự báo cuối năm 2015 sẽ cao đến 1,73m - 1,75m.
Các chuyên gia còn cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần phải tập trung nghiên cứu và tìm giải pháp khả thi để bảo vệ an toàn không ngập vùng lõi trung tâm thành phố khoảng 930ha và điều tiết giảm nước, giảm ngập cho các vùng còn lại với thời gian ngập ngắn nhất. Việc xây dựng các hồ điều tiết nước chưa thể bù đắp lại những hồ ao tự nhiên tồn tại ven sông rạch trước đây đã bị đô thị hóa. Việc khôi phục một số hồ ao, công viên cây xanh, mặt đất, thông cống thoát… chính là biện pháp tốt nhất để giảm ngập hiện nay.