Kiên quyết xử lý việc sản xuất thực phẩm bẩn

Thứ Tư, 14/03/2018, 09:54
"Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn", là một kì vọng của Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh đặt ra trong mục tiêu hoạt động sau 1 năm ra đời.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý (BQL) ATTP khẳng định tại cuộc họp vào chiều 12-3: còn quá nhiều khó khăn. 

Theo đề xuất của BQL ATTP với ban ngành các cấp,  cần phải sửa đổi nhiều điều khoản trong Luật ATTP, Luật Hình sự mới nhất ( 2015) mới đủ chế tài, đủ sức răn đe, xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội danh sản xuất thực phẩm bẩn, mất an toàn như hiện nay.

Theo bà Lan, sau 1 năm đi vào hoạt động, các mô hình BQL ATTP đưa ra, thực hiện về cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ do UBND TP giao cho nhưng chưa thể quản lý, kiểm soát được 100%. 

Với tiêu chí "xây dựng thực phẩm sạch", BQL ATTP cùng các ban, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực xây dựng nhiều mô hình, như: thiết kế mô hình kinh doanh hiện đại, lập lại trật tự trong sản xuất-kinh doanh(SX-KD)-chế biến thực phẩm, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm, tầm soát phát hiện chất ô nhiễm làm biến chất thực phẩm, phát hiện chất phụ gia công nghiệp độc hại bị trà trộn vào thực phẩm.

Trong nỗ lực thực hiện tiêu chí "Chống thực phẩm bẩn", bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, Ban gặp rất nhiều vướng mắc trong xử lý công việc bởi những qui định pháp luật hiện hành trong xử lý những vi phạm về ATTP. Luật còn hở quá nhiều là nguyên nhân khiến những kẻ kinh doanh thực phẩm theo kiểu trục lợi, ăn xổi ở thì. 

Sau 1 năm hoạt động, Ban đã xây dựng được mô hình cơ chế phối hợp của Ban với liên ngành các đội quản lý ATTP của 24 quận-huyện, hình thành một mạng lưới quản lý, giám sát khá chặt chẽ. 

Tuy nhiên, qua việc trực tiếp xử lý nhiều vụ việc vi phạm của cá nhân, của tổ chức về ATTP, cho thấy, hầu như hiện nay tất cả các vụ vi phạm ATTP đều được xử lý hành chính. Do hiện nay theo Bộ luật Hình sự mới nhất 2015, còn nhiều cái rất khó khi làm căn cứ xử lý vi phạm sản xuất thực phẩm bẩn.

Cơ sở sản xuất tương ớt bẩn do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện tại phường 8, quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Việc BQL ATTP ra đời đã quy về một đầu mối trong quản lý ATTP, thống nhất được sức mạnh nguồn nhân lực từ Sở Công Thương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT vốn nhiều năm trước đây do chia tách, chồng chéo trong hoạt động nên kém hiệu quả trong quản lý ATTP. 

Theo đó, khi muốn xử lý một vụ việc vi phạm ATTP, hiện nay không phải phụ thuộc vào việc trình các cơ quan quản lý, nặng về thủ tục hành chính, làm tiến độ công việc bị chậm. Nhờ thống nhất nguồn lực, nhân sự, chuyên môn nên sẽ kịp thời đề xuất những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý chung.

Mặt khác, qua sự phối hợp kí kết liên tịch với các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Sở GD-ĐT TP.HCM, Ban đã hình thành mô hình quản lý ATTP hiệu quả hơn ở những khu vực "nhạy cảm" này, vốn có nhiều công nhân, học sinh, nơi thường xảy ra ngộ độc thực phẩm; Củng cố được mô hình xây dựng "chuỗi thực phẩm an toàn", để tìm nguồn thực phẩm sạch hằng ngày cho người dân thành phố.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong quản lý ATTP phải thay đổi nhiều điều khoản về Luật ATTP. Luật của ta hiện nay hở quá nhiều, nhiều vụ việc phát hiện có hành vi đưa phụ gia hoá chất công nghiệp vào thực phẩm mà không đưa vào xử lý hình sự được. 

Như vụ heo bị tiêm thuốc an thần phát hiện vào năm 2017, hay gần 27 tấn thực phẩm trộn hoá chất bị phát hiện tại Hóc Môn trước Tết Nguyên đán. Hai vụ vi phạm này qui mô rất lớn nhưng khi củng cố chứng cứ cho thấy, do lỗi của người vi phạm lại nằm "ngoài khung" của Luật Hình sự. 

Luật qui định, chỉ xử lý tội Hình sự với người vi phạm sử dụng phụ gia hoá chất cấm, chất ngoài danh mục. Thuốc an thần theo qui định được phép sử dụng trong chăn nuôi, vậy họ sử dụng đúng loại cho phép, nhưng sử dụng "sai mục đích". 

Lọt tội phạm là ở đây! Tội danh rõ ràng nhưng không xử lý hình sự được! Hay những sản phẩm thịt gia súc gia cầm đã trong tình trạng biến chất, phải tiêu huỷ nhưng nhiều tiểu thương vẫn bán cho người dân, sai phạm rất phổ biến này hiện mới bị xử lý ở mức độ vi phạm hành chính. Điều này không đủ sức răn đe.

Ngoài ra, việc kiểm nghiệm, công bố kết quả mẫu kiểm nghiệm thực phẩm lâu nay còn phải đợi chờ quá lâu, khi có kết quả chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Luật ATTP và các văn bản, qui phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý việc vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm. 

Mà chỉ có tính chất sàng lọc, có kết quả dương tính mới lấy mẫu lại đi kiểm nghiệm ở nơi có phòng Labor cao cấp. Hai kết quả có khi khác nhau. Như vậy, cơ chế giám sát để định tội thực phẩm mất an toàn còn phải chạy theo diễn biến thực tế, kém hiệu quả…

Tính đến ngày 28-2-2018, BQL ATTP đã thực hiện kiểm tra với 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt 1.706.400.000 đồng, đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền là 44.510.000 đồng...
Huyền Nga
.
.
.