Hồ chứa nước xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập

Thứ Hai, 15/05/2017, 12:00
Giữa tháng 5-2017, chúng tôi về xã Phước Thành để “mắt thấy tai nghe” những báo động “nóng” từ hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích. Hồ nước Đá Vàng nằm cheo leo giữa một bên là đồi núi trùng điệp, một bên là thung lũng ruộng đồng thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Phước Thành và hơn 200 hộ dân của xóm 6-7 thôn Bình An đang sinh sống.

Đứng trên con đập chính dài gần 100m nối 2 chân núi với nhau tạo nên lòng hồ, chúng tôi có cảm giác hồ như một túi nước khổng lồ treo lơ lửng giữa không trung. Dù thời điểm đầu năm 2017 đến nay, các đợt mưa đã thưa dần, lượng nước lòng hồ dao động khoảng 200.000m3, tức đã giảm hơn một nửa so với dung tích thiết kế, song hệ thống mái hạ lưu đập đất bị sạt lở, nứt nẻ ngang, dọc khiến người dân địa phương hoang mang.

Quan sát kỹ quanh khu vực hồ Đá Vàng, chúng tôi thấy nhiều nơi ở mái đập bị khoét rỗng tạo nên những khe suối có chiều sâu từ 20-30cm. Thân đập đất mái hạ lưu bị nước thẩm thấu tạo nên những đường lồi lõm. Phía mái thượng lưu đã bị nước lũ hàng năm cuốn phăng hết các thảm cỏ bảo vệ, chỉ còn trơ lại sỏi đá và những khe suối sâu ăn vào thân đập. Theo kinh nghiệm của ngành nông nghiệp, đây là những dấu hiệu xuống cấp ẩn chứa phía bên trong lòng đập rất đáng ngại.

Ông Phạm Đình Quê, Giám đốc HTX NN Phước Thành - đơn vị đang trực tiếp quản lý hồ chứa nước Đá Vàng - nói với chúng tôi với vẻ mặt đầy âu lo: “Hồ chứa nước Đá Vàng được khởi công xây dựng từ năm 1988, với số vốn đầu tư trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do phương pháp thi công còn lạc hậu nên ngay khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1993 thì đã có biểu hiện xuống cấp.

Theo thiết kế, hồ có dung tích chứa 450.000m3 nước, tưới cho 50ha lúa, hoa màu hàng năm của HTX. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, hồ chỉ chứa được 300.000m3 và tưới cho khoảng 39ha lúa vụ Đông Xuân, số diện tích còn lại đành phải bỏ hoang vì thiếu nước”.

Không riêng gì hồ Đá Vàng, hiện nay hồ Cây Thích do HTX NN Phước Thành quản lý cũng đang trong tình trạng báo động. Đầu năm 2017 đến nay, lưu lượng nước thấm qua thân đập đất tại vùng mái hạ lưu của hồ chứa này ngày càng lớn. Lăng trụ thoát nước ở chân mái hạ lưu cũng xuất hiện tình trạng nước rò rỉ qua thân đập chảy thành dòng tràn ra ngoài. Lòng hồ bị đất, đá từ thân đập rơi xuống, bồi lấp nặng.

“Đây là hiện tượng không bình thường, có nguy cơ gây mất ổn định cho đập đất”, ông Quê nhận xét.

Hệ thống cống lấy nước hồ chứa nước Đá Vàng bị hư hỏng nặng.

Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, 2 hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Đối với hồ Đá Vàng, huyện đã nhiều lần làm tờ trình xin kinh phí từ UBND tỉnh, Trung ương để tu sửa hồ nhưng vẫn chưa được bố trí nguồn vốn. Riêng hồ Cây Thích huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT đi kiểm tra hiện trạng xuống cấp của công trình.

Trước mắt để đảm bảo an toàn cho công trình này, huyện đã chỉ đạo HTX NN Phước Thành cử cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm tiếp tục theo dõi và ghi chép chi tiết các hiện tượng thấm nói trên. Đồng thời, huyện yêu cầu UBND xã Phước Thành lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực về an toàn đập để đánh giá hiện tượng thấm bất thường qua đập đất và đề xuất giải pháp xử lý an toàn, hiệu quả, báo cáo UBND huyện để có hướng chỉ đạo thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, xác nhận: “Hiện trạng xuống cấp hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế và nhận thấy hiện trạng xuống cấp của 2 công trình này là có thật. Trước mắt, do chưa có kinh phí sửa chữa, chúng tôi đã chỉ đạo UBND huyện Tuy Phước yêu cầu UBND xã Phước Thành thường xuyên theo dõi, kiểm tra; đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, vận hành hồ chứa. Về lâu dài, Sở sẽ kiến nghị tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí sửa chữa, gia cố lại hồ chứa”.

Hoàng Nguyên
.
.
.