Hiến kế quản lý và sử dụng vỉa hè linh hoạt, trách nhiệm

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:43
Theo ông Lê Đức Việt, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), chúng ta đang lập lại trật tự trên vỉa hè, tuy nhiên cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc...

Sáng 24-3, một cuộc tọa đàm về “Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm   công dân” đã được báo Giao thông tổ chức, cùng sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương và một số chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giao thông đô thị. 

Tại đây, hầu hết các khách mời đều cho rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè là vô cùng quan trọng. Song, vấn đề quản lý thế nào cho phù hợp với người dân, và cơ quan chức năng vẫn nâng cao vai trò của mình, mới là quan trọng.

Lợi ích từ lấn chiếm vỉa hè rất lớn

Tại buổi toạ đàm, chuyên gia độc lập Lương Hoài Nam phát biểu: Bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Song vấn đề đặt ra tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện. 

Cha ông ta thường nói: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, về pháp luật, “thổ công” ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, thực tế khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” bị đánh tráo, toàn dân không phải thổ công nữa mà là “ông khác”. 

Các chuyên gia cho rằng nên hạn chế việc đỗ xe thoải mái trên vỉa hè.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bí thư TP Hồ Chí Minh cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng bảo kê cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn. Mặt khác, cần phải nói pháp luật cũng có sự cực đoan nhất định, cái chính phải gỡ yếu tố cực đoan này. 

Từ người quản lý tới người dân đều nói: Vỉa hè là phần dành cho người đi bộ. Không đúng, ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác. Những công năng này nên được pháp luật quy định. Hiện nay, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định công năng vỉa hè dành cho người đi bộ. Chính vì thế, không ai có quyền quy hoạch vỉa hè, không ai có quyền ban hành quy định cho thuê sử dụng vỉa hè. 

Phản biện quan điểm trên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: “Tôi khẳng định, việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Còn việc này được giao cho chính quyền địa phương tổ chức cho phù hợp, tôi hay các anh ngồi đây và mọi người đều thích ngồi uống cà phê vỉa hè mà không ảnh hưởng đến người đi bộ. Nếu nói luật pháp của ta cực đoan quá thì không phải".

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn Otofun dẫn chứng: “Như tại lòng đường, vỉa hè tại nơi tôi sống, sau bao nhiêu năm không sao vì đường nhỏ. Một hôm, có công ty khai thác điểm đỗ xe đến kẻ vạch, cắm biển.

Tôi đề nghị đơn vị đó cho tôi xem công văn thì thấy có công văn của Sở GTVT đồng ý cho điểm đỗ này khai thác 1,8m x 20m lòng đường, tương ứng khoảng 4 chỗ đỗ ôtô, trong khi đơn vị này khai thác cả tuyến phố dài 1,5km, gồm cả hai bên, có thể đỗ tới 200 ôtô. Vậy tôi hỏi, ở đây có hay không sự tư lợi cá nhân, Sở GTVT có biết không? 

Tôi hỏi lần hai thì các anh ấy đưa công văn nữa và tiêu chuẩn 24 xe nhưng vẫn sử dụng cả 1,5km đường gồm cả hai bên. Khi có người dân phản ứng thì lập tức có đối tượng xăm trổ ra nói thế này, thế kia. Giải pháp các anh, các chị đều nghĩ ra hết, chỉ là vấn đề thực hiện thế nào công bằng, hợp lý, có lý có tình. Chúng tôi, những người tham gia giao thông cần những cái đóng góp thiết thực”.

Cần giải pháp sử dụng vỉa hè hợp lý

“Với tư cách một công dân đồng sở hữu vỉa hè, tôi không đồng ý để chính quyền tạm giao mà lại không thu phí, cho ai đó. Bởi đó là của công, một phần sở hữu của tôi. Anh ở nhà mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với địa phương, trả khoản phí nhất định. Tôi đề nghị làm theo thủ tục hành chính có kẻ ô có thu phí. Hãy làm như thế mới giải quyết tận gốc”, TS Lương Hoài Nam đưa ra giải pháp. 

Ông Lê Đức Việt, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) thông tin thêm: “Chúng ta đang lập lại trật tự trên vỉa hè, tuy nhiên cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc: xe máy phải quay đầu vào bên trong. Quy định linh hoạt tùy theo từng tuyến phố, lấy mục tiêu trung tâm là người đi bộ và giao thông tĩnh. Đối với vỉa hè trên dưới 3m, kèm hàng cây bên ngoài mà bắt quay xe vào trong thì không hợp lý. 

Tôi cho rằng, tùy theo đặc điểm tuyến phố, nên giao cho từng địa phương tính toán cân nhắc như thế nào để thuận lợi nhất cho người đi bộ và đảm bảo giao thông tĩnh. 

Trong khi đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Văn Viện lại cho rằng: “Nếu cho thuê hết vỉa hè cho nhà mặt phố, thì nhu cầu để xe không chỉ dành cho nhà mặt phố, mà đó là nhu cầu chung. Nếu cá thể hoá trách nhiệm lại không phải cái chung. 

Thực ra, trên 1 tuyến phố, 1 biển số nhà cùng 1 mặt phố có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè đó cho ai? Sử dụng chung thì về nguyên tắc không đúng. Trên 1 số tuyến mới quy định được chỗ đỗ. Về nguyên tắc mình phải hài hòa lợi ích chung".

Phạm Huyền
.
.
.