“Hiến kế” ngăn chặn bạo lực gia đình

Thứ Bảy, 27/01/2018, 09:27
Chồng đánh vợ đang mang thai tử vong ở Kon Tum, rồi chồng đánh vợ thương tích nặng dẫn đến tử vong do mâu thuẫn gia đình ở Đắk Nông và gần đây nhất (tháng 12-2017), cha ruột cùng mẹ kế bạo hành con ruột trong thời gian dài ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gây phẫn nộ dư luận.

Bạo lực gia đình mà 80% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em đang phức tạp khi bất bình đẳng giới tiếp tục xảy ra trong chính gia đình. Những vụ việc bị phát hiện và khởi tố điều tra trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ngày 25-1, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình” nhằm tìm ra giải pháp hạn chế hiện tượng nhức nhối này.

Những nỗi đau dai dẳng

Nhớ lại những năm tháng sống trong “ngục tù” bị chồng bạo ngược, chị Trần Thị Ng (Quảng Ninh) không khỏi hãi hùng. Chồng chị bị nghiện rượu, khi rượu vào không chỉ lôi chị ra chửi bới, đánh đập, còn lôi cả đứa con trai lớn treo ngược lên xà nhà. Do yếu đuối, chị chỉ biết chịu đựng, không dám đi tố cáo. Lâu dần việc bạo lực diễn ra thường xuyên và điên cuồng. Thậm chí, chị còn bị chồng bạo lực tình dục, bắt quan hệ ở ngay trước cửa nhà trong đêm.

Suy kiệt về tinh thần và thể xác, chị đành phải đem theo hai đứa con bỏ trốn. Sau những ngày bị chồng điên cuồng tìm kiếm và đe dọa, chị Ng quyết định trở về đối mặt với người chồng nát rượu. Chị làm đơn ly hôn ra tòa án. Dù bị chồng thường xuyên tìm đánh và dọa dẫm nhưng chị vẫn cương quyết ly hôn. Bằng rất nhiều sự nỗ lực của bản thân và của gia đình mẹ đẻ, chị Ng đã ly hôn được với người chồng vũ phu.

Theo Tổng cục Cảnh sát thì 80% nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em. 9% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo hành gia đình và tình dục từ chồng. Hàng trăm con người đã phải rời bỏ mái nhà của mình để tìm nơi trú ngụ bình yên. Những đứa trẻ từng ngày vật vã vượt qua cơn ác mộng.

Câu chuyện của một em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực tình dục từ chính cha ruột của mình được trình chiếu tại buổi hội thảo đã khiến chúng tôi đau đớn. Bố em là người đàn ông gia trưởng và bạo ngược. Vì đam mê cờ bạc và nghiện rượu, mỗi lần thua bạc là mỗi lần cơn mưa đòn roi giáng xuống đầu mẹ. Bố đem hết đồ đạc trong nhà đi bán khiến mấy mẹ con không có tấm chăn ấm để đắp.

Không chịu nổi thống khổ từ chồng, mẹ đã bỏ nhà ra đi. Em gái phải gồng gánh mưu sinh thay mẹ, vượt qua đòn roi và những lời lẽ cay đắng, thô lỗ của bố mắng mỏ. Bữa cơm nào đối với em cũng chan nước mắt. Hình ảnh người cha trong em là người đàn ông tàn nhẫn nhất mà mình từng gặp.

Trong lúc cô đơn vì không có mẹ, em đã trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục khi bị cha xâm hại. Tuyệt vọng, em đã quyên sinh. Nhưng em được cứu sống và đang nhận được sự giúp đỡ của tổ chức xã hội để bước tiếp. 

Bạo lực gia đình cần sớm được ngăn chặn (ảnh minh họa).

Hiến kế chặn bạo lực gia đình

Thực trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam đang rất đáng lo ngại. Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Cảnh sát cho biết, do định kiến trong xã hội và sự xấu hổ khiến phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là “bình thường” và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để giữ gìn sự êm ấm cho gia đình.

Trong khi đó, bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, thể chất và tinh thần của người phụ nữ và trẻ em. Kéo theo đó là những vụ án hình sự nghiêm trọng liên quan đến bạo lực gia đình những năm gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng.

Năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, lực lượng Công an đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án liên quan đến bạo lực gia đình. Đặc biệt, ngày 17-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Công an đã vào cuộc rất tích cực.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt thì từ thực tiễn cho thấy, hiệu quả của sự phối hợp liên ngành nói chung, công tác phối hợp giữa Bộ Công an với các cơ quan, tổ chức chưa đáp ứng được thực trạng gia tăng và tính chất phức tạp của vấn nạn bạo lực gia đình trong tình hình mới. Chính vì vậy, các đại biểu dự hội thảo đã “hiến kế” nhiều giải pháp để khắc phục thực trạng này.

Theo Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự (C45) thì năm 2016 trên toàn quốc xảy ra 1.641 vụ xâm hại trẻ em, năm 2017 giảm 49 vụ so với năm 2016. Số vụ xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em giảm nhưng tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lại gia tăng. Lý do là việc trình báo tố giác hành vi phạm tội, hành vi xâm hại trẻ em chậm trễ, dẫn tới công tác khám nghiệm hiện trường, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Nhiều vụ xâm hại do thời gian xác minh kéo dài, hoặc phải đình chỉ điều tra do thời gian xảy ra lâu, chứng cứ không còn…

Thượng tá Đinh Văn Trình đưa ra giải pháp: “Tới đây, Cục C45 sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan Tòa án, VKS xử lý nghiêm các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em để tạo tính răn đe; tổ chức sơ kết, tổng kết tin báo tố giác tội phạm xâm hại trẻ em và củng cố lực lượng chuyên trách xử lý tin báo nhằm xử lý nhanh chóng và hiệu quả khi tiếp nhận thông tin.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, năm 2018, Tòa án tối cao sẽ tiếp tục thành lập tòa án về gia đình tại Tòa án cấp cao và tòa án một số tỉnh, thành phố để giải quyết các vụ án ly hôn, bạo lực gia đình. Để giải quyết thực trạng này, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao công tác tuyên truyền và tăng cường công tác giám sát của lực lượng Công an xã, phường và các tổ chức xã hội ngay tại cơ sở nhằm phát hiện mâu thuẫn gia đình thì tiến hành hòa giải ngay, làm tốt công tác phòng ngừa để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt thì Bộ Công an đã và đang có những hành động tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình tại các địa phương trên toàn quốc. Công an tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre đã phối hợp thành lập 30 đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình thí điểm tại TP Bến Tre và huyện Chợ Lách…

Hiện chúng ta chưa có một chiến lược truyền thông tốt để cho nạn nhân thay đổi nhận thức, vượt qua rào cản, sẵn sàng tố cáo các hành vi bạo lực gia đình. Thiết nghĩ, công tác trao đổi thông tin phối hợp liên ngành cần tiến hành chặt chẽ hơn, đặc biệt là sự phối hợp nâng cao công tác truyền thông, phổ biến pháp luật sâu rộng để mọi người dân, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ bị bạo lực nhận thức đầy đủ, biết cách tự bảo vệ mình.

Trần Hằng
.
.
.