Heo nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại sao vẫn “lọt” chốt, buôn bán nhiều nơi?
- Tăng cường biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở đồng bằng sông Cửu Long
- Xe tải chở đàn heo nhiễm dịch tả lợn Châu Phi ở Quảng Nam
- Dịch tả lan rộng ra 4 huyện của tỉnh Đồng Tháp
Trước đó, Báo CAND thông tin, lúc 9h50, ngày 27-5, nhận được tin báo của người dân, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện một chiếc xe tải BKS: 76C - 060.68 do Phạm Minh Vỹ (Sn 1983, trú xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm tài xế vận chuyển heo thịt, đang dừng đỗ tại cửa hàng xăng dầu Kỳ Lý (thuộc xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh).
Xe tải chở heo nhiễm DTLCP bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện. |
Tại thời điểm kiểm tra trên xe có 39 con heo, trong đó 5 con đã chết, có triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP; Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, vận chuyển ra khỏi tỉnh đã hết giá trị; Số lượng theo giấy kiểm dịch tại nơi kiểm dịch gốc là 150 con heo thịt nhưng tại nơi phát hiện kiểm tra chỉ còn 39 con heo (trong đó 5 con đã chết); Đã tự ý bỏ heo xuống các điểm như Thăng Bình, Phú Ninh… không đúng như trong nội dung ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi tỉnh.
Tài xế Phạm Minh Vỹ cho biết, số heo này được chở từ xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đến lò mổ bà Huỳnh Thị Lộc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Tuy nhiên khi đến thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) và xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) có bán một số heo, số lượng heo bán không thống kê được.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện trên và lấy 3 mẫu/ 3 con heo chết để gửi đi xét nghiệm. Kết quả, 3 mẫu phẩm lấy từ xe chở heo trên mang đi xét nghiệm đều dương tính với DTLCP.
Nhiều con heo đã chết trên chiếc xe này. |
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại 2 đầu mối giao thông của tỉnh (trên tuyến quốc lộ 1 tại huyện Núi Thành và thị xã Điện Bàn), bố trí đầy đủ lực lượng thú y, Quản lý thị trường, Công an để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm của lợn nhập vào và đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, thời gian bắt đầu hoạt động kể từ 20-3.
Vậy tại sao chiếc xe chở heo mang bệnh DTLCP vẫn “lọt” chốt kiểm dịch, đưa heo qua địa bàn 11 tỉnh thành và bán heo bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam?
Trao đổi với Báo CAND, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, vì các tỉnh phía Bắc hiện nay vẫn cho lưu thông, không cấm nên khi kiểm tra chiếc xe chở heo này có đầy đủ giấy tờ và nhập heo vào Quảng Ngãi chứ không phải Quảng Nam.
Trong giấy kiểm dịch, lô hàng này từ tỉnh Bắc Ninh, điểm đến cuối cùng là cơ sở giết mổ tập trung tại xã Sơn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên khi đến tỉnh Quảng Nam thì tài xế xe tải trên bỏ hàng bán cho một số điểm trên địa bàn tỉnh nên cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ, trên xe có heo bị chết nên lấy mẫu xét nghiệm thì dương tính với vi rút dịch tả heo Châu Phi.
Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc, khử trùng. |
Trả lời về việc tại sao heo nhiễm bệnh vẫn đi qua được trạm kiểm dịch tại trên quốc lộ 1 tại thị xã Điện Bàn mà không bị phát hiện, ông Nam cho rằng tại thời điểm chốt kiểm dịch này kiểm tra, heo chưa có triệu chứng gì.
“Tại chốt kiểm dịch này có thể test heo bị nhiễm bệnh hay không, tuy nhiên chỉ khi nào heo có dấu hiệu, nghi ngờ mới test còn không không test được. Đây là chốt kiểm dịch tạm thời, chỉ cần dừng xe lâu thì sẽ gây ùn tắc, ảnh hưởng giao thông. Chỉ khi nào nghi ngờ thì mới test, còn không thì kiểm tra giấy tờ, phun thuốc tiêu độc khử trùng rồi cho đi. Thời điểm đó heo chưa có triệu chứng gì hết”, ông Nam nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thực tế trong thời gian vừa qua tỉnh đã lập 2 trạm chốt chặn, yêu cầu tất cả xe chở heo đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ được đi qua quốc lộ 1 này, làm việc với Bộ GTVT không cho phép xe chở heo đi qua đường cao tốc để gom tất cả xe chở heo qua 2 trạm kiểm dịch tạm thời.
Thời gian vừa qua có sự tích cực của cơ quan chức năng cũng như 2 trạm này, tuy nhiên vừa qua cũng có một chiếc xe chở heo đi từ ngoài bắc vào Quảng Ngãi, đi qua địa bàn Quảng Nam có 39 con heo bị nhiễm DTLCP.
“Tôi sẽ kiểm tra lại phát hiện như thế nào, có thể do sơ suất, hoặc cũng có thể do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc không chặt chẽ với tất cả xe chở heo qua địa bàn. Hơn nữa, ngay khi vào trong, chở đi lòng vòng tiêu thụ ở một số địa bàn, trong đó có thị xã Điện Bàn, những người dân vẫn mua heo trên đó là vẫn có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng của địa phương, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nói cho người dân về việc không tiêu thụ heo vận chuyển như thế này. Đây cũng là bài học mà tỉnh Quảng Nam rút ra và đã chỉ đạo rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Chúng tôi đang làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan, trong đó có phần chủ quan nhưng cũng có phần thiếu sót trong việc tổ chức chỉ đạo, công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát. Trách nhiệm chúng tôi sẽ làm rõ hơn còn trước mắt phải lo công tác phòng chống dịch”, ông Thanh nói.
Tính đến 18h ngày 27-5, tại Quảng Nam, DTLCP đã xuất hiện ở 68 hộ, 23 thôn, 8 xã, phường, 4 huyện, thị xã, thành phố (Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Tam Kỳ) với tổng số lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy theo quy định là 223 con, trọng lượng tiêu hủy là 12.716kg.