Hệ lụy từ việc nuôi tôm tự phát

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:54
Thời gian gần đây, nhận thấy việc nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân ở địa phương đã ồ ạt lấp đất ruộng, đất vườn để làm hồ nuôi tôm theo kiểu tự phát. Song việc ngăn chặn, xử lý của chính quyền địa phương vừa chậm trễ, lại thiếu kiên quyết nên đã gây ra nhiều hệ lụy. Chuyện này đã và đang xảy ra tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với diện tích nuôi tôm trái phép đã lên tới 36ha.

Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, cho biết: Địa phương chỉ quy hoạch vùng nuôi tôm trong diện tích 70 ha, thuộc vùng ven đầm hạ triều. Ngoài ra, những diện tích đất được đưa vào nuôi tôm khác là những nơi hoàn toàn không phù hợp cho việc nuôi tôm, vì nằm về phía cao triều, khó lấy nước mặn, cũng như không có đường thoát cho nước thải nên địa phương không quy hoạch cho nuôi.

Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt nên người dân ồ ạt rủ nhau đào vườn thả nuôi. Trong khi ở địa phương đất quy hoạch cho nuôi tôm lại không có, khiến hàng trăm hộ dân tìm cách biến những khu vườn và đất sản xuất nông nghiệp thành những hồ nuôi, bất chấp sự ngăn cản từ chính quyền địa phương.

Việc nuôi tôm trên cát chưa được ngành chức năng của tỉnh quy hoạch cụ thể, cộng thêm việc quản lý lỏng lẻo từ chính quyền sở tại đã khiến cho tình hình nuôi tôm diễn ra tràn lan như hiện nay.

Đáng nói, đa phần các hồ nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải cho từng cụm vùng, làm cho nước mặn và đặc biệt là chất thải gây ô nhiễm thấm sâu vào các khu dân cư gây nên hiện tượng nước sinh hoạt bị ô nhiễm không thể sử dụng được.

Quan ngại hơn, đến nay, hiện tượng nhiễm mặn đã xuất hiện phổ biến và gây rất nhiều trở ngại trong sinh hoạt cho bà con trên địa bàn xã.

Nước thải từ hồ nuôi tôm ở thôn Hưng Lạc xả trực tiếp ra môi trường.

Nhiều hộ dân tại thôn Hưng Tân lo lắng: Nguồn nước ngầm ở địa phương đang bị cạn kiệt hoặc nếu có thì cũng bị nhiễm mặn và ô nhiễm nghiêm trọng nên chỉ có thể sử dụng để giặt giũ. Nước uống phải đi mua từng bình, song đây chỉ là giải pháp trước mắt.

Nguy hiểm hơn, từ hỗn hợp các hóa chất nuôi tôm chưa qua xử lý, nguồn nước sinh hoạt của người dân sẽ ngày càng trở nên ô nhiễm, vì thế, tình hình dịch bệnh sẽ phát sinh trong thời gian tới.  

Trước câu hỏi vì sao tình trạng người dân ồ ạt lấp đất ruộng, đất vườn để nuôi tôm diễn ra trong thời gian dài, nhưng địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, thừa nhận: Năm 2010 đến năm 2014, là thời điểm nạn nuôi tôm trái phép phát triển rầm rộ, trước tình trạng này, xã đã lập đoàn công tác xuống xử lý nhưng ngặt nỗi là lực lượng cán bộ xã quá mỏng nên không thể canh chừng, kiểm soát mỗi đêm nên cuối cùng đành bó tay.

Theo UBND xã Mỹ Thành, năm 2010 ở địa phương có khoảng 5 hộ ở thôn Hưng Tân nuôi tôm, mang lại lợi nhuận cao. Sau đó, hàng trăm hộ dân ở nhiều thôn lân cận đổ xô nuôi, khiến nạn nuôi tôm trái phép nhanh chóng lan rộng như hiện nay. Đến nay, đã có 36 trường hợp nuôi tôm trái phép bị xử lý hành chính.

Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thẳng thắn nhìn nhận: “Việc xử lý dứt điểm và yêu cầu người nuôi tôm trả lại nguyên trạng diện tích đất vườn, đất ruộng đã bị lấp để nuôi tôm trái phép là quá khó. Giải pháp hiện nay là ngăn chặn và không cho phát sinh diện tích hồ nuôi tôm mới; đồng thời, huyện đã chỉ đạo UBND xã Mỹ Thành thực hiện việc giám sát chặt chẽ quy trình nuôi, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”.

Hoàng Nguyên
.
.
.