Hàng xà cừ trên phố Kim Mã có sống sót sau khi phải di chuyển?

Thứ Sáu, 30/09/2016, 09:46
Để phục vụ làm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phải di chuyển hàng xà cừ có tuổi đời hàng chục năm trên đường Kim Mã. Theo đơn vị được cấp phép đánh chuyển, toàn bộ số cây xà cừ này sẽ không bị chặt hạ mà được đánh chuyển, di dời về vườn ươm ở Văn Giang, Hưng Yên. Không ít người dân băn khoăn, liệu số cây xà cừ được đánh chuyển đi này có sống nổi?

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội cho biết, để phục vụ thi công tuyến đường sắt metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ phải thực hiện di dời, đánh chuyển hơn 100 cây trên đường Kim Mã, trong đó có nhiều cây xà cừ lớn. Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chuyển, di dời lần này là Công ty CP Beepro. 

Theo ông Vương Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Beepro, 24 cây xà cừ cổ thụ, có đường kính từ 40cm đến trên 1m sẽ được đánh chuyển để tái sử dụng. Toàn bộ cây được di chuyển về vườn ươm Văn Giang, Hưng Yên để có thời gian phục hồi. Sau khoảng 1 năm, số cây này sẽ trồng trên các tuyến đường mới ở Thủ đô. Đặc biệt, lãnh đạo Công ty Beepro cho biết sẽ dùng phương pháp thủ công để đánh chuyển, bảo đảm an toàn cho cây.

Hàng xà cừ cổ thụ trên phố Kim Mã sẽ được đánh chuyển về vườn ươm Văn Giang.

Khi cây đưa về vườn ươm sẽ mất từ 3 – 6 tháng để cây đâm chồi trở lại. Khoảng 1 năm sau, có thể di chuyển cây trồng ở địa điểm mới. Ông Lê Huy Hoàng bổ sung, để đảm bảo cây vẫn sống, đơn vị thực hiện sẽ áp dụng phương án đào gốc cây thủ công. Việc này sẽ rất tốn kém, để hoàn thành di chuyển 1 cây có đường kính trên 1 mét cần phải dùng đến 30 công nhân. Thời gian đánh chuyển cây chủ yếu vào ban đêm, đơn vị thi công sẽ ngăn 1 bên đường Kim Mã.

TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam đánh giá sự đổi mới tích cực của Hà Nội trong việc bảo vệ cây xanh, cảnh quan thành phố. “Vẫn biết muốn có công trình giao thông phải chấp nhận đánh đổi. Nhưng nhìn những cây cổ thụ vài chục, thậm chí cả trăm năm bị đốn hạ ai cũng xót xa. Đây là lần đầu tiên Hà Nội thay vì chặt bỏ, quyết định di chuyển nhiều cây xanh kích thước lớn như thế”, ông Hiệp bày tỏ.

Về công nghệ, kỹ thuật di chuyển cây cổ thụ, TS Hiệp cho rằng vẫn còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Ông cũng chỉ ra một số hạn chế khi di chuyển và trồng lại cây xà cừ kích thước lớn. 

“Xà cừ trên đường phố Hà Nội có bộ rễ khá nông, bứng bầu không mấy khó khăn. Khi bứng sẽ phải chặt bớt một số rễ, trồng lại dễ phục hồi nhưng phải rất lâu sau bộ rễ mới có thể đỡ được thân cây đồ sộ. Có lẽ công nghệ cho ra rễ nhanh sẽ khắc phục được điều này. Dù sao thì đây cũng là thử nghiệm rất tích cực, thậm chí có thể trở thành để tài nghiên cứu của các nhà khoa học”, TS Hiệp phân tích.

Ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị cho rằng, khả năng sống sót của những cây xà cừ này sau đánh chuyển khá lớn, xác suất lên tới 60-70%. Cũng theo vị chuyên gia này, xà cừ là loại cây lấy gỗ, có tuổi đời rất lâu nên vấn đề cây lâu năm không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sống sau đánh chuyển. Hơn nữa, cây xà cừ không phù hợp trồng ở vùng trung tâm đô thị bởi rất dễ gãy, đổ gây thiệt hại lớn.

Chi Linh
.
.
.