Hàng triệu lao động kỳ vọng vào phương án tăng lương năm 2019

Thứ Hai, 13/08/2018, 08:30
Ngày 13-8, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên cuối cùng để các bên thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019.

Trong khi giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN, đại diện cho người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho giới doanh nghiệp) vẫn đang tranh luận về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019, thì thực tế theo khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn, đời sống của công nhân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hàng triệu người lao động vẫn đang chờ một kết quả khả quan từ phiên họp cuối cùng ngày 13-8 này.

Chia sẻ về việc tăng lương tối thiểu vùng, chị Nguyễn Thu Thủy, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Tăng thêm được mấy trăm nghìn mỗi tháng, chúng tôi cũng vui lắm. Nhưng tính ra lại chẳng được bao nhiêu khi tiền đóng BHXH và phí công đoàn tăng lên, lại thêm giá cả ngoài thị trường cũng rục rịch tăng theo. Vợ chồng tôi từ Sơn La về đây làm việc, phải đi thuê nhà, mọi chi phí cũng tốn kém hơn, nên mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng, phải tiêu khéo mới đủ”.

Cùng cảnh tỉnh xa về làm công nhân, chị Nguyễn Thị Thu Hương, công nhân khu công nghiệp Sài Đồng cho biết, lương tính theo sản phẩm chỉ được khoảng trên dưới 7 triệu đồng/tháng, nên chị cũng không mấy hào hứng với mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm: “Năm nào cũng thế, nói là tăng lương nhưng thực chất thu nhập cuối cùng của người lao động chẳng tăng là mấy. Chúng tôi chưa kịp mừng thì đã phải nghĩ đến mức đóng BHXH sẽ tăng, các chi phí khác cho cuộc sống thường ngày sẽ tăng theo”.

Đa số người lao động vẫn đang phải xoay xở với đồng lương ít ỏi hiện nay.

Theo khảo sát mới được Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện tại 25 tỉnh, thành, trong năm 2018, người lao động còn gặp rất nhiều bức xúc liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, trong đó bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỉ lệ cao nhất (25,7%).  

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể xảy ra. 

Theo số liệu của Tổng LĐLĐVN, tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc ngừng việc tập thể, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6%; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%. 

Theo PGS - TS Vũ Quang Thọ, bên cạnh lương thì làm thêm vẫn là thu nhập chủ yếu của người lao động. Họ trông chờ vào thu nhập từ làm thêm nên ai cũng nai lưng ra để làm. Thậm chí, có công nhân còn yêu cầu doanh nghiệp phải có làm thêm, nếu không sẽ đình công. 

Một vấn đề đáng chú ý theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn là vẫn còn một bộ phận người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể: Vùng I là 2,35%; vùng II là 10,87%; vùng III là 3,34% và vùng IV là 4,45%.

Trao đổi với PV về bối cảnh thương lượng tiền lương tối thiểu vùng năm nay có gì khác so với mọi năm, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ Lao động  (Tổng LĐLĐVN) cho biết, Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện Đề án cải cách tiền lương của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII ghi rõ: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Như vậy, Nghị quyết đã nêu rõ lộ trình còn 2 năm để đạt được mục tiêu này. 

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nền kinh tế đã tốt hơn nhiều (6 tháng đầu năm có gần 64.500 doanh nghiệp thành lập mới); cùng với đó, Chính phủ đang tiến hành cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giảm chi phí chính thức và phi chính thức, từ đó có kinh phí để quay trở lại hỗ trợ người lao động. Chính vì thế, ông Hiểu cho rằng không có lý do gì để không tăng. 

“Thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Nếu không có chính sách tiền lương tốt thì làm sao có thể thu hút được lao động. Đó cũng chính là lý do vì sao Tổng LĐLĐVN đưa ra mức đề xuất 8% và qua hai phiên họp vừa rồi Tổng LĐLĐVN vẫn giữ nguyên quan điểm này”, ông Hiểu cho biết.

Phân tích ở góc độ khác, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, nếu không tăng lương tối thiểu vùng, hoặc giữ nguyên mức tăng 6,8% như năm 2017 thì tiền lương của người lao động sẽ bị mất giá, có thể sẽ âm tới 4%. 

Ông Chính phân tích, chỉ số CPI dưới 4%, thêm vào đó tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năng suất lao động cũng tăng. Có thể thấy tình hình kinh tế sáng sủa nhất từ trước đến nay. Nếu tính 3 chỉ số này thì mức tăng có thể phải lên tới 9%. Tuy nhiên, người lao động cũng mong muốn được chia sẻ với chủ sử dụng nên đơn vị này chỉ đề nghị mức tăng 8%. 

Ông Chính cho biết, đề xuất tăng lương tối thiểu 8% được tính toán dựa trên những căn cứ rất khoa học, từ điều tra thu nhập, đời sống công nhân, những nghị quyết của Quốc hội. 

“Chúng tôi nghĩ rằng, năm 2017 kinh tế khó khăn, Tổng LĐLĐ đã có chia sẻ với giới chủ rồi, tốc độ tăng trưởng năm ngoái thấp hơn năm nay, CPI còn cao hơn năm nay nhưng vẫn quyết định tăng lương tối thiểu là 8,6%, không có lý gì năm nay lại không tăng hoặc tăng thấp hơn 8%”, ông Chính phân tích. 

Thêm vào đó, theo ông Chính, vừa qua Chính phủ cũng đã quyết định tăng lương cơ bản cho đơn vị sự nghiệp và người hưởng lương hưu gần 7%, không có lý gì tiền lương của người công nhân lại thấp hơn cả đơn vị hành chính sự nghiệp. “Nếu giới chủ chỉ muốn tăng lương tối thiểu vùng nhỏ giọt không cải thiện đáng kể đối với đời sống công nhân. 

Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện lương tối thiểu đã đáp ứng được khoảng 92% mức sống tối thiểu của người lao động. Nếu năm 2019 không tăng lương thì đến năm 2020, mức tăng lương tối thiểu sẽ rất cao", ông Chính khẳng định.

Phan Hoạt
.
.
.