Hang động núi lửa tại Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất

Thứ Sáu, 26/12/2014, 18:01
Hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á vừa được các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản phát hiện tại Đắk Nông sẽ được phát triển để trở thành công viên địa chất quốc gia, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thông tin trên được lãnh đạo tỉnh Đắk Nông khẳng định trong buổi họp báo do Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) tổ chức sáng nay (26/12).

Ông Hiroshi Tachihara – Chủ tịch danh dự Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản cho biết: “Năm 2007, chúng tôi đã khảo sát hoạt động núi lửa tại 26 nước. Khi phát hiện ra hang động núi lửa ở Việt Nam, chúng tôi rất ngạc nhiên. Quả thực chúng tôi không nghĩ ở Việt Nam cũng có hoạt động núi lửa. Tại Nhật Bản có nhiều núi lửa đang hoạt động và Việt Nam cũng đã từng có núi lửa tương tự như vậy. Từ 2012, chúng tôi bắt đầu khảo sát nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Tổng cục Địa chất – Khoáng sản và tỉnh Đắk Nông. Hang động núi lửa ở Đắk Nông rất đẹp, nếu so với Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Ông Trần Phương – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông khẳng định: “Khu vực hang động núi lửa vùng Krông Nô có kiến tạo khá đặc biệt, đa dạng về địa chất, sinh học, lịch sử, văn hoá xã hội. Do vậy nơi đây sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển thành Công viên địa chất cấp quốc gia, hướng đến xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh đã giao Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch phối hợp với Bảo tàng địa chất Việt Nam triển khai Đề án điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Đồng thời, tỉnh cũng thống nhất bổ sung hang động núi lửa khu vực Krông Nô vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 và định hướng tới năm 2020 để kêu gọi các nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch”.

Với chiều dài 1066,5m, hang C7 là hang động núi lửa có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á.
Vẻ đẹp hang động A1.
Các nhà khoa học Nhật Bản phải đu dây để tiếp cận hang C7.

Theo ông La Thế Phúc – Giám đốc Bảo tàng Địa chất, khu vực Krông Nô hội tụ nhiều đặc điểm để hình thành Công viên địa chất. Nơi đây có 05 điểm phát hiện khảo cổ, 01 di sản văn hoá thế giới (Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên), 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Đường mòn Hồ Chí Minh), 06 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, nơi đây còn có khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp với cả nghìn loài động thực vật, trong đó có hơn 100 loài động thực vật trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Cũng theo ông Phúc, trong thời gian tới, Bảo tàng Địa chất và Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác khảo sát chi tiết, đo đạc các thông số của hang động, đặc điểm phân bố cũng như cơ chế thành tạo của chúng, đồng thời đánh giá tổng thể các giá trị liên quan. Cụ thể, sẽ khảo sát, điều tra chi tiết các hang động núi lửa khác ở gần khu vực miệng núi lửa Chư B’Luk. Năm 2014-2015 sẽ khảo sát các hang nằm giữa hang C7 và C8; đo vẽ chi tiết các hang C8, C6, C1…Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, quản lí và khai thác, phát triển du lịch liên quan đến hệ thống hang động ở đây.
Phát hiện sự sống trong hang C7.
Hang C3 có chiều dài đứng thứ 2 Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Tổng thư kí UNESCO Việt Nam cho rằng, quần thể hang động núi lửa tại Đắk Nông có đầy đủ tiềm năng để được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Hàng năm, UNESCO đều dành nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các quốc gia xây dựng các dự án trình UNESCO, trong đó có các dự án công viên địa chất.

Khánh Vy
.
.
.