Hải sản miền Trung: Các loài sống ở tầng giữa đã đảm bảo an toàn

Thứ Ba, 20/09/2016, 10:32
Qua phân tích hơn 1.000 mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy các loài cá tầng đáy như: Ghẹ, tôm tít, ốc, cá đục... chưa báo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm...

Tình hình về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sau thảm hoạ Formosa đã được đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo vào sáng 20-9. 

Bộ Y tế cho biết đã lấy và phân tích hơn 1.040 mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 300 mẫu hải sản đối chứng ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh việc phân tích tại Việt Nam, các mẫu phân tích còn được gửi đi Nhật Bản, Singapore để đối chứng.

Nhiều mẫu hải sản miền Trung vẫn chưa bảo đảm an toàn

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Bộ Y tế đã kết luận: Tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, các nục, các chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đuối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi ở vùng đầm nuôi của 4 tỉnh miền trung đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các loại cá tầng đáy như như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, cá đục, bạch tuộc, cua đá…ở tầng đáy trong vòng 13.5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. 

Bên cạnh đó, hai độc tố phenol, xyanua (hai độc tố gây ra hiện tượng cá chết) cũng được phân tích kỹ càng đã cho thấy tất cả các mẫu hải sản ở miền Trung đều không phát hiện có xyanua.

Tất cả hải sản tầng nổi đều không phát hiện ra phenol trong cá. Tuy nhiên, ở tầng đáy phát hiện 132 mẫu hải sản, chủ yếu là các sinh vật tầng đáy có nhiễm phenol, phân bố trong vùng từ 5-25km với tỷ lệ nhiễm cao nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, thấp nhất là Lăng Cô, Thừa Thiên Huế.

Còn đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển làm hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4-2016, Bộ đã phối hợp với các đơn vị triển khai quá trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 5-2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam với mục đích thông tin cho cộng đồng góp phần xác định nguyên nhân sự cố.

Ngày 22-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ phạm vi ô nhiễm môi trường biển sau sự cố môi trường Formosa, theo đó trên cơ sở phân tích 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với QCVN về chất lượng nước biển cho thấy về cơ bản hầy hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng thông số tổng phenol trong tháng 6 hàm lượng có tăng lên và một số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy.

Nguyên nhân là do cơ chế nhả hấp phụ phenol từ dạng phức hỗn hợp dưới dạng keo sắt và từ trầm tích đáy vào nước biển. Đến tháng 8-2016 hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Trên cơ sở kết quả phân tích của 29 mẫu trầm tích và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích, cho thấy tại các khu vực được quan trắc, các thông số bao gồm cả nhóm thông số là nguyên nhân chính gây sự cố môi trường đã nằm trong giới hạn quy định. 

Thanh Hằng
.
.
.