Hà Nội chuẩn bị có thêm nguồn cung nước sạch thứ ba
Công ty CP Nước mặt sông Hồng đã được thành lập bởi 3 pháp nhân, gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (20% vốn), Công ty CP Thành Long (79%) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Hạ tầng nước sạch Hà Nội (1%). Nhà máy này đặt tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng. Vị trí mạng lưới tuyến ống qua các xã Liên Hồng, Tân Hội, Tân Lập, Liên Hà, Liên Trung thuộc huỵện Đan Phượng, các phường Thượng Cát, Tây Tựu, Minh Khai, Thuỵ PHương, Cổ Nhuế, Đông Ngạc, thuộc Bắc Từ Liêm và Phường Phú Thượng Tây Hồ. Về công nghệ, lựa chọn công nghệ truyền thống với dây truyền sản xuất hiện đại theo quy trình: sơ lắng cặn thô, keo tụ, trộn phản ứng, lắng ngang, lọc nhanh, lọc hữu cơ, khử trùng và tới bể chứa nước sạch. Tổng vốn đầu tư dự án gần 3.700 tỷ đồng và dự kiến tới quý I-2021 đưa vào sử dụng.
Hà Nội sắp có thêm nguồn cung nước sạch thứ ba với công suất 300.000 m3/ ngày, đêm. Ảnh minh họa. |
Theo Sở Xây dựng, tính tới thời điểm này, TP Hà Nội đã cho phép xây dựng 3 nhà máy nước mặt, thay thế giảm dần việc khai thác nước ngầm đang dần cạn kiệt. Đó là nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống và sông Hồng. Tuy nhiên, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, trong 3 nhà máy trên thì dự án nhà máy nước mặt sông Hồng có tính khả thi cao nhất, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, thuỷ văn, môi trường. Theo đó, mục tiêu của dự án là cung cấp lượng nước sạch tương đương 300.000m3/ngày, đêm cho khu vực phía Nam sông Hồng, bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc quốc lộ 31 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây sẽ là nguồn cung nước sạch thứ ba của TP.
Kinh nghiệm từ những vụ vỡ đường ống nước sông Đà, theo ông Dục, dự án này sẽ sử dụng gang dẻo, chọn đủ tải, khi vỡ ống thường sẽ xử lý nhanh. Gang dẻo cũng là chất liệu kinh tế nhất. "Sở cũng yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình xây dựng dự án, thiết kế kỹ thuật đều được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giám sát chặt chẽ từ việc đào hố, nghiệm thu công trình, không phải ông chủ đầu tư muốn gì là được…"- Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định. Về việc bán nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Hồng, ông Dục cho hay, sẽ thực hiện như cơ chế của Nhà máy nước mặt sông Đà: Nhà đầu tư truyền dẫn vào TP, cấp qua đồng hồ tổng, ừ đó cung cấp nước cho nhân dân TP. Nước tại đồng hồ tổng phải đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sở Tài chính Hà Nội sẽ xây dựng đơn giá, lộ trình tăng giá từ đồng hồ tổng…