Giáp Tết, cảnh giác với thực phẩm, đồ uống giả thương hiệu nổi tiếng

Thứ Hai, 05/02/2018, 09:21
Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là lúc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tuồn ra thị trường, lẫn lộn vào hàng thật, nhất là tại những chợ ở vùng sâu, vùng xa. Hàng giả giáp Tết chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội, phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ đã bắt quả tang vợ chồng Trịnh Trọng Chinh, 56 tuổi, và Trịnh Thị Thảo, 55 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, sản xuất  mỳ chính giả thương hiệu của một số hãng nổi tiếng.

Thủ đoạn của đôi vợ chồng này là mua mỳ chính có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó về đóng gói gắn mác Ajinomoto, Miwon bán ra thị trường. Khám xét nơi sản xuất, Công an thu giữ 12 bao tải (loại 25kg/bao) nguyên liệu mỳ chính và hàng trăm vỏ bao chưa đóng gói.

Cũng thời điểm này, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cũng “xóa sổ” một xưởng sản xuất bột ngọt giả tại đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thu giữ hơn 1.400 gói bột ngọt giả.

Không chỉ có bột ngọt, nước mắm cũng là mặt hàng dễ bị làm giả. Sau một thời gian theo dõi, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã bất ngờ kiểm tra  cơ sở sản xuất nước mắm tại nhà bà Trần Thị Thu Vân, trú tại thị xã Ninh Hòa.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an đã thu gần 300 chai nhựa và 36 can loại 5 lít có chứa nước mắm giả các thương hiệu nổi tiếng. Được biết, từ tháng 4-2017 đến khi bị phát hiện, cơ sở này đã đưa ra thị trường hàng nghìn lít nước mắm không đảm bảo chất lượng.

Ngày Tết, gia đình nào cũng có nhu cầu mua các loại bánh kẹo, đồ uống. Những ngày giáp Tết này, tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội - nơi được ví như “thiên đường” của hàng rẻ, hàng nhái, hàng được xuất đi khá tấp nập.

Tại đây, khách hàng có thể dễ dàng mua một hộp bánh, được nhái với thương hiệu Chocopai, Chocopia chỉ với giá hơn 10 ngàn đồng một hộp (trong khi 1 hộp bánh Choco Pie Orion loại 360g có giá bán khoảng 50 ngàn đồng một hộp); một chai rượu nho 650ml giá chỉ 9.200 đồng/chai; rượu nếp 600ml giá chỉ 10.600đ/chai, rượu sâm panh giá 15.500 đồng/chai, rượu vang nổ có giá gần 17.000đ/chai…

Các loại rượu trên được ghi ở bao bì do một công ty liên doanh sản xuất, nhưng không ghi địa chỉ sản xuất tại đâu. Đây là cách mà các cơ sở làm hàng kém chất lượng tại đây áp dụng với các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng.

Hậu quả của hàng giả, hàng nhái kém chất lượng là thực phẩm, đồ uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng như một số trường hợp ngộ độc rượu  Methanol cao xảy ra thời gian vừa qua.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, theo chúng tôi, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa. Cách mua sắm an toàn là chọn những nhà cung cấp có uy tín như siêu thị, quầy giới thiệu sản phẩm hoặc các đại lý có cửa hàng cửa hiệu, được phép kinh doanh. Việc chống hàng giả, hàng nhái ngoài sự nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, rất cần sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả, cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đào Minh Khoa
.
.
.