Ghé ngôi làng kiếm sống nhờ... "cõi âm"

Thứ Bảy, 10/08/2019, 16:55
Đã từ lâu làng Phúc Am (Duyên Thái,Thường Tín, Hà Nội) đã trở thành "thủ phủ" sản xuất vàng mã hàng đầu tại miền Bắc. Rất nhiều hộ tại làng chọn nghề này làm kế sinh nhai chính.

Làng nghề vàng mã Phúc Am hoạt động và sản xuất quanh năm, nhưng tất bật nhất vào hai dịp chính đó là Rằm tháng 7 và dịp Tết Nguyên đán. Không giống nhiều địa phương làm hàng mã nổi tiếng khác như làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng, quần áo và đồ trang sức thì làng Phúc Am lại tập trung vào các sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng,nhà, xe... chủ yếu phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu...

Nằm cách nội đô khoảng 20 km về phía nam, từ lâu làng Phúc Am đã là một trong những nơi sản xuất vàng mã lớn nhất tại miền Bắc.

Nghề làm vàng mã và hình nộm "bén duyên" với dân làng Phúc Am, theo những người dân làm nghề trong làng những năm gần đây, kỹ thuật làm vàng mã tại đây ngày càng phát triển. Người làm nghề không còn phải vẽ và cắt bằng tay các hình từ những tờ giấy xanh, đỏ, tím mà chỉ cần lấy mẫu có sẵn, mang đi in nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Mỗi năm vào dịp cận Tết và Rằm tháng 7 Âm lịch cả làng đều nhộn nhịp với hoạt động sản xuất vàng mã.
Không khó để bắt gặp những sản phẩm chuyên phục vụ cho " người cõi âm" trên các con đường trong làng.

Hiện nay cả làng đang "vào vụ" sản xuất hàng phục vụ Rằm tháng 7 Âm lịch. Theo ghi nhận của PV vào ngày 10-8, ngay từ đường vào làng, các hình nộm vàng mã như, ngựa, voi, xe... được xếp đầy. Năm nay giá cả của các mặt hàng cũng không biến động nhiều. Một mô hình nộm tướng lĩnh nếu mua số lượng lớn có giá giao động từ khoảng 200.000 – 300.000 đồng/hình nộm. Trong khi  mô hình ngựa, voi cao 2 mét được bán với giá trên 200.000 đồng/con, loại to đẹp nhất giá 500.000 đồng/con. Tuy nhiên nếu trừ đi các chi phí mua nguyên liệu (và nếu cả thuê nhân công) thì tiền lãi trên các sản phẩm chỉ còn vài chục ngàn đồng.

Điểm đặc biệt trong sản phẩm vàng mã tại làng Phúc Am là nơi đây chuyên sản xuất hình nộm thú (ngựa, voi…), thuyền rồng,nhà, xe... chuyên phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu...

Nếu như trước đây cả làng có 10 hộ sản xuất chính còn lại các gia đình thường nhận đồ về làm thuê thì 1,2 năm trở lại đây phần lớn các hộ tại làng đều trở thành những cơ sở sản xuất. Tùy thuộc vào số người làm trực tiếp mỗi hộ trong làng có thể nhận các đơn hàng từ vài trăm đến hàng triệu đồng, thậm chí có những đơn hàng lên đến cả trăm triệu.

Hiện đã gần Rằm tháng Bảy Âm lịch, làng Phúc Am càng bị "tràn ngập" trong vàng mã. Trong ảnh là những hình nộm đang làm dở tại một hộ sản xuất trong làng.

Cũng cần phải nói rằng việc đốt vàng mã vốn là hoạt động tín ngưỡng đã tồn tại rất lâu của người dân Việt Nam. Gần đây khi mức sống đi lên, cộng với tâm lý "trần sao âm vậy" khiến các gia đình càng mua thêm nhiều vàng mã khiến các làng nghề như Phúc Am thêm phát triển. Mặc dù gần đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các Phật tử không đốt vàng, mã tại các chùa, bởi đây là điều không có trong kinh sách nhà Phật. Tuy nhiên vào các dịp lễ Tết, các lò đốt vàng mã vẫn đỏ lửa cho thấy tình trạng này không thể cải thiện trong ngày một ngày hai được.

Để làm ra một hình nộm phải trải qua rất nhiều công đoạn mà công việc đầu tiên là tạo dáng từ khuôn tre. Nhiều hộ trong làng đã phải đi mua tre từ cả tháng trước.
Sau đó người thợ mới dán giấy bồi, trang trí...
Những sản phẩm hoàn thiện sẽ được phơi khô rồi chờ khách đặt đến lấy..
Công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ nên không phải ai cũng làm được. Mức thu nhập từ 50.000đ/ngày (với người mới học việc) đến 100.000đ với những ai đã lành nghề không quá cao song so với nông nghiệp thì cũng là một kế sinh nhai "dễ chịu"...
Chính vì thế mà công việc này dù chỉ có tính thời vụ những đang thu hút khá nhiều nhân lực của làng tham gia. 
Mức giá của hình nộm dao động từ 200.000đ đến 500.000đ tùy vào kích cỡ, độ phức tạp cầu kỳ...
Nắm bắt nhu cầu thị trường và tâm lý "trần sao âm vậy" của khách mua, ngoài các sản phẩm "truyền thống" giờ đây làng Phúc Am còn làm ra cả mô hình xe hơi, nhà lầu...
Càng vào dịp gần Tết và Rằm tháng 7 Âm lịch khách đến mua hàng ỏ làng Phúc Am càng đông. Một đơn hàng có thể từ vài trăm ngàn đến hàng chục thậm chí cả trăm triệu đồng....
Dẫu rằng việc đốt vàng mã tràn lan đã bị lên án nhiều tuy nhiên vào các dịp lễ Tết, các lò đốt vàng mã vẫn đỏ lửa cho thấy tình trạng này không thể cải thiện trong ngày một ngày hai được.
Thanh Anh
.
.
.