Gặp nhà khoa học nữ người Việt đầu tiên được Tổng thống Nga vinh danh
PGS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh hiện là cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà nguyên là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh được mọi người trìu mến gọi là "Bà Liên Xô" vì những kiến thức uyên bác về ngôn ngữ Nga. Bà sinh năm 1938 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố là tướng Nguyễn Chánh - nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh liên khu V trong kháng chiến chống Pháp; Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng, còn mẹ là cụ bà Phạm Thị Trinh – một lão thành cách mạng từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi...
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. |
Hơn 60 năm về trước, mới 17 tuổi, cô bé Tuyết Minh vinh dự được có mặt trong danh sách 100 học sinh Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ cử sang Liên Xô học tập. Sau hơn một năm rưỡi học tiếng Nga, bà theo học tại Trường ĐH Sư phạm Lê nin ở Matxcova. Đây là bước đệm quan trọng đầu tiên cho quá trình phấn đấu và rèn luyện để trở thành một trong các nhà khoa học đầu ngành Nga ngữ học và Từ điển học Việt Nam sau này.
Năm 1961 sau khi tốt nghiệp hạng giỏi, về nước bà tham gia giảng dạy ở Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1962, bà được chuyển giảng dạy ở Ban Tiếng Nga, Khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, sau đó thành Phó chủ nhiệm khoa, phụ trách chuyên môn đến khi nghỉ hưu.
Năm 1986, PGS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Trải qua quãng thời gian dài lao động miệt mài, cuối năm 2012, tập thể các nhà khoa học Nga – Việt đã cho ra mắt cuốn Đại từ điển Việt-Nga mới do NXB “Sách phương Đông” xuất bản mà nhà nữ khoa học là một trong hai biên tập viên chính. Bà Tuyết Minh cũng từng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga.
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (thứ tư từ phải qua) trong buổi ra mắt cuốn đại từ điển Việt – Nga. |
Đánh giá về công trình nghiên cứu của PGS. TSKH Nguyễn Tuyết Minh trong Luận văn TSKH, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Nga Solntseva N.V, chuyên viên cao cấp Viện Phương Đông học nói: “Vấn đề mà tác giả đặt ra lý thú, dựa trên các luận chứng khoa học chắc chắn đang thức tỉnh những ý tưởng khoa học mới mẻ. Có vốn tiếng mẹ đẻ, tiếng Nga tuyệt vời. Các cứ liệu viện dẫn đắt giá, sắc sảo. Các quan điểm học thuật được trình bày logic, giàu tính thuyết phục…”
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cho biết thành công như ngày hôm nay bên cạnh sự nỗ lực của bản thân là nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ và đề cử giới thiệu nhiệt tình của anh chị em đồng nghiệp. Bà nói: “Tôi rất vinh dự khi được trao tặng giải Pushkin, tôi cũng hi vọng mình sẽ không phải là người phụ nữ duy nhất mà sẽ sau này sẽ còn rất nhiều người Việt Nam mình sẽ nhận được giải thưởng này.”
Suốt quá trình học tập và công tác ở Nga, điều gây cho bà ấn tượng mạnh mẽ nhất ngoài văn hóa và khoa học kĩ thuật tiên tiến của nước sở tại ra thì đó chính là tình cảm của con người Xô Viết. Một mình đặt chân đến một đất nước xa lạ khi chỉ mới 17 tuổi, cô gái Tuyết Minh ngày ấy may mắn được các bà giáo Nga chăm sóc, yêu thương như con đẻ. Sau này có thời gian quay lại thăm các bà, nhiều người đã không còn nữa, người còn sống cũng đã hơn 90 tuổi. Tuổi cao sức yếu là vậy, nhưng vừa gặp lại cô trò nhỏ, các cô giáo Nga vẫn nhận ra. “Nhân dân, con người nước Nga rất chân thật, cởi mở, thương người. Lần nào chia tay nhau về nước mọi người cũng bật khóc.” – bà xúc động kể lại.
Cũng theo bà Tuyết Minh, học tiếng Nga không những để biết được thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp mình hiểu thêm một nền văn hóa vĩ đại. “Ngôn ngữ một nước phản ánh văn hóa nước đó.” Cả cuộc đời gắn bó với ngôn ngữ này, cho đến bây giờ, bà luôn cảm thấy mình may mắn khi được tiếp xúc, học hỏi những phẩm chất tốt đẹp của con người nước Nga. Được biết, gia đình bà có 3 thế hệ học tập ở Nga, người cháu hiện tại cũng đang theo học tiếng Nga.
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh và đồng nghiệp người Nga trao đổi công việc. |
Trong quá trình giảng dạy của mình, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh luôn cố gắng hết sức để truyền tải tình yêu ngôn ngữ của mình cho những người học tiếng Nga, từ bậc Đại học đến Cao học và cao hơn nữa. Bà chia sẻ.“Nghề giáo tạo cho mình một nhân cách tốt, nó không cho phép mình được làm những điều không đúng.”
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, bà cho biết sẽ tiếp tục công việc viết và dịch sách: “Còn sống thì còn làm việc.” “Bà Liên Xô” cũng đưa ra cho những người đã, đang và sẽ học tiếng Nga những lời khuyên bổ ích: “Học tiếng Nga không chỉ đơn thuần giúp mình biết thêm một ngôn ngữ mới mà môn này còn tạo cho mình một tư duy chặt chẽ, chính xác và vốn hiểu biết con người, văn hóa cũng như nền khoa học tiên tiến của họ. Tiếng Nga cũng là một trong năm ngoại ngữ quốc tế, rất nên học. Dù không dễ để học tốt nhưng cũng đừng nản chí, cứ đi rồi khắc đến, có làm khắc được để không chỉ hoàn thiện bản thân mà còn đem kiến thức ra xây dựng đất nước cũng như mối quan hệ hai nước Việt – Nga” - PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh khẳng định.
Theo Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga số 475 ký ngày 9-10-2017 “Về trao tặng các giải thưởng Nhà nước của Liên bang Nga”, công dân Việt Nam được vinh dự nhận Huy chương Pushkin là bà Nguyễn Tuyết Minh - cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lễ trao tặng Huy chương Pushkin năm 2017 sẽ diễn ra tại Điện Kremlin vào ngày 4-11-2017. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là người Việt Nam duy nhất được nhận phần thưởng cao quí này năm 2017. Ứng viên nhận Huy chương Pushkin gồm công dân Nga và nước ngoài có thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, văn học và giáo dục. Đã có hơn 900 người đến từ 90 quốc gia, trong đó có 12 nguyên thủ được trao tặng Huy chương Pushkin. |