Gần 20% người bán dâm ở Hà Nội nhiễm HIV

Thứ Năm, 14/05/2015, 06:53
Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang có xu hướng tăng ở nữ giới với nguồn lây qua đường tình dục, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là một trong những diễn biến mới của đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam và đã được Bộ Y tế chính thức thông báo vào ngày 13/5.

Lây truyền cao từ nhóm… nguy cơ thấp

Theo Th.S Võ Hải Sơn (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, số người nhiễm HIV mới phát hiện đã lên tới trên 1.504 người, tức là mỗi ngày vẫn có thêm khoảng 20 người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, đã có thêm 836 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS cùng 228 người tử vong do HIV. Số người nhiễm HIV trong cả nước vẫn ngày càng tăng là sự báo động về dịch bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam.

Số người nhiễm HIV mới được phát hiện do lây qua đường tình dục đang là chủ yếu, tức là cao hơn cả lây qua đường máu. Nhóm lây truyền HIV chính hiện nay là những người nghiện ma tuý và vợ/bạn tình của họ. Nhiều trường hợp, khi xét nghiệm thì vợ bị nhiễm HIV, còn chồng thì không. Nguyên do đây là người chồng thứ hai của người phụ nữ, còn người chồng trước bị nhiễm HIV, đã chết.

Nguy cơ lây nhiễm từ những người phụ nữ vốn là vợ/bạn tình của người nghiện ma tuý lây sang nam giới đang là một thực tế đáng lo ngại, do nhu cầu và khả năng tình dục của người nghiện ma tuý không đáp ứng được vợ/bạn tình, nên nhiều người phụ nữ đã tái hôn, hoặc sống với người đàn ông khác. 

Điều này cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là rất lớn. Đó là chưa kể chỉ khoảng 40% bà mẹ có thai được quản lý phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, nên cũng sẽ tạo ra nguy cơ nhiều trẻ bị nhiễm HIV, là những tiềm ẩn đáng phải quan tâm của dịch bệnh này. Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cho biết: Đã xuất hiện nguy cơ lây truyền HIV từ những người đàn ông bán dâm và những người đồng tính nam.

Th.S Nguyễn Thị Lan Hương (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) cũng cho hay: Thực trạng trên khiến dịch HIV có xu hướng làm gia tăng số phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế chưa nhận thức được lợi ích của việc xét nghiệm sớm HIV trong công tác phòng bệnh. Việc kỳ thị và phân biệt đối xử, nhất là vùng nông thôn, miền núi, khiến cho phụ nữ mang thai ngại đi khám, xét nghiệm, nên không được tiếp cận dịch vụ phòng, chống lây nhiễm kịp thời. Hiện, tỷ lệ phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV muộn rất phổ biến, càng làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con.

Bác sỹ tư vấn cho một trường hợp bị nhiễm HIV.

Phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh

Theo đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để tránh những điều không mong muốn xảy ra cho đứa trẻ trong tương lai, phụ nữ mang thai nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và nếu có nguy cơ bị lây nhiễm HIV thì nên làm xét nghiệm HIV sớm khi bắt đầu mang thai, hoặc trong ba tháng đầu của thai kỳ, để nếu có nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng kịp thời, tránh lây sang con, đồng thời, thai phụ cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ ở những cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV) cho con. 

Việc chủ động được can thiệp dự phòng khi mang thai, sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền HIV sang con, do đó, đứa trẻ sinh ra hoàn toàn có thể khỏe mạnh, không nhiễm HIV. Với phụ nữ nhiễm HIV đang được điều trị bằng ARV có thể chủ động thời điểm sinh con, con không nhiễm HIV. 

Ở Việt Nam, sau khi triển khai hiệu quả chương trình điều trị bằng ARV, phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con ngày càng cao, chiếm 45-50% số phụ nữ nhiễm HIV sinh đẻ hằng năm và đây là nhóm đối tượng có tỷ lệ lây truyền HIV sang con thấp nhất, chỉ từ 0-2%. Trong giai đoạn sức khỏe người mẹ chưa hồi phục thì không nên sinh con vì nếu có sinh con thì khả năng lây truyền HIV sang con là rất cao và sau cuộc sinh đẻ sức khỏe người mẹ tiếp tục bị suy giảm.

TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, khi người nhiễm HIV được điều trị ARV, nguy cơ lây nhiễm HIV ở với bạn tình không nhiễm giảm 96%. Đối với lây truyền từ mẹ sang con, nếu không có bất cứ can thiệp dự phòng nào, thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 36%, nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con, thì có khoảng 36 trẻ bị nhiễm HIV. Nhưng nếu phụ nữ nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm (từ tuần thai thứ 14) và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ, thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 2%.

Sau một thời gian khuyến cáo bà mẹ nhiễm HIV/AIDS không nên cho con bú vì có thể truyền bệnh cho con, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới lại khuyến cáo các bà mẹ nhiễm HIV nên cho con bú. Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam đang có 2 sự lựa chọn cho bà mẹ nhiễm HIV nuôi con: cho bú hoặc không cho bú. Không cho con bú là cách cắt đứt hoàn toàn nguồn lây qua sữa mẹ, nhưng việc sử dụng sữa ngoài đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu vệ sinh chặt chẽ, nếu không sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng đường ruột v.v…

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Nguồn lây HIV qua đường tình dục ngày càng cao, chiếm tới gần 40% so với khoảng 30% của thời gian trước. Trước đây, nữ giới lây nhiễm HIV chỉ chiếm 15-20%, thì nay đã lên tới 34% số người nhiễm mới. Riêng ở Hà Nội, tỉ lệ nhiễm HIV của người bán dâm chiếm tới 17%. Trước, lây nhiễm HIV chủ yếu ở lứa 20 thì nay lại nằm ở số người từ 30-50 tuổi. Dịch HIV/AIDS đang tiếp tục lan rộng ở các khu vực miền núi, có mức độ trầm trọng ở nhiều huyện là các điểm nóng ma tuý như Lai Châu, Sơn La, Nghệ An v.v...
Thanh Hằng
.
.
.