Sạt lở đèo chia cắt Nha Trang - Đà Lạt, nhiều điểm bị cô lập trong lũ
Ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 26-11 cơ quan này đã có văn bản gửi đến các Sở GTVT các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng cùng các cơ quan báo chí để thông tin cho các phương tiện ô tô tạm dừng vận hành qua đèo Khánh Lê trên đường QL27C kết nối Nha Trang – Đà Lạt.
Sạt lở đất đá trên đường đèo Khánh Lê |
Được biết mưa lũ trong mấy ngày qua đã khiến cho vách núi trên đường đèo Khánh Lê sạt lở đất đá tràn xuống mặt đường ở 10 vị trí, tiềm ẩn hiểm họa tai nạn có thể xảy ra. Mặc dù đơn vị quản lý đường bộ đã và đang thu dọn, nhưng nước lũ từ trên núi vẫn trút xuống ở nhiều nơi trên đường đèo, có nguy cơ tái diễn sạt lở, nên việc phong tỏa tạm thời để phòng ngừa hiểm họa tai nạn là cần thiết.
Một vị trí đứt gãy trên đường tỉnh lộ 9 nối quốc lộ 1A ở TP Cam Ranh với huyện miền núi Khánh Sơn |
Đề cập đến tình hình thiệt hại về giao thông do mưa lũ, ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết đường tỉnh lộ 9 – huyết mạch giao thông duy nhất nối quốc lộ 1A ở phía Nam TP Cam Ranh với huyện miền núi Khánh Sơn đã bị chia cắt do mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng, một số nơi nền đường bị đứt gãy với tổng chiều dài khoảng 100m, đầu nối mặt đường ở một số cầu tràn bị xói lở.
Từ sáng sớm ngày 26-11, Sở GTVT Khánh Hòa đã huy động nhân lực, phương tiện thiết bị cơ giới đến hiện trường để khắc phục hậu quả. Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh – ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, mưa lũ không chỉ gây ngập nhiều địa bàn ở các xã phía Nam mà còn cuốn sập hoàn toàn cầu Nước Ngọt dẫn vào khu dân cư Bình Lập ở xã Cam Lập, cắt đứt giao thông của gần 300 hộ gia đình ở đó, một số du khách đến khu du lịch Sao Biển, resort Ngọc Sương phải nước rút dần lực lượng cứu hộ mới đưa qua.
Cầu Nước Ngọt ở xã Cam Lập, TP Cam Ranh bị lũ cuốn sập đổ hoàn toàn |
Trong một diễn biến liên quan đến hoạt động cứu nạn - cứu hộ, Đại tá Đinh Hồng Nghiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong đêm 25-11, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH khẩn trương tới huyện Ninh Sơn, sử dụng ca nô ra giữa sông Dinh cứu nạn vợ chồng ông bà Nguyễn No (70 tuổi), Phan Thị Út (66 tuổi) đang đu bám trên ngọn cây khi lũ từ thượng nguồn đổ xuống ầm ào họ không kịp thoát khỏi căn lều trên bãi bồi giữa dòng sông.
Tại Lâm Đồng:
Chiều 26-11, đại diện UBND xã Tà Hine, huyện Đức Trọng cho biết, trong hai ngày qua, gần 100 gia đình tại thôn Phú Ao, Phú Cao, Bliang, Takriang… đã bị ảnh hưởng nặng nề do mua lũ. Nước lũ từ thượng nguồn các con suối dâng cao, nhấn chìm hàng chục hecta hoa màu, trong đó chủ yếu là rau và cà phê.
Nhiều vùng trũng thấp bị ngập sâu trong nước |
Tại xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, ông Hồ Đăng Thành, Bí thư xã cho biết, mưa lớn khiến tất cả các cầu đi vào xã bị nước dâng cao từ ngày 25-11 làm nhiều vùng bị cô lập. Hiện tại địa phương này có 6 nhà dân bị nước nhấn chìm cùng nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng.
Những gia đình bị ảnh hưởng đã được sơ tán |
Tương tự, tại huyện Đơn Dương, mặc dù thủy điện Đa Nhim chưa xả lũ nhưng mưa lớn kéo dài liên tục trong hai ngày qua đã khiến các vùng trũng thấp dọc theo sông Đa Nhim bị ngập nặng. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, đã có khoảng 70ha hoa màu bị ngập úng tại các xã Lạc Xuân, Tu Tra, Pró.
Tại Phú Yên:
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có nhiều vùng quê ngập lụt vì mưa lũ.
Mưa lớn kéo dài kết hợp lũ từ thượng nguồn đổ xuống dòng sông Kỳ Lộ khiến cho nhiều vùng quê ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) ngập lụt trên diện rộng.
Đến xế chiều ngày 26-11 chưa có thương vong về người do thiên tai mưa lũ nhưng tuyến đường quốc lộ 1A qua địa phận các xã An Cư, An Hiệp và thị trấn Chí Thạnh – huyện Tuy An đã có nước lũ tràn qua mặt đường, hàng chục căn nhà ở các xã An Hiệp, An Định bị ngập nước.
Các tuyến giao thông kết nối với thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đã có nước lũ tràn ngập qua mặt đường Quốc lộ 19C, tỉnh lộ 641 tại một số cung đoạn.
Mưa tràn mặt đường quốc lộ. |
Nhiều nhà bị ngập sâu. |