Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với bão số 4

Thứ Hai, 12/09/2016, 18:59
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo dừng tất cả các cuộc hợp từ ngày 12/9 đến 13/9 để tập trung cho công tác ứng phó với mưa bão.

 

Hồi 18 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Nam - Bình Định khoảng 160 km về phía Đông.

Trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 24 giờ đêm nay, bão sẽ đi vào vùng biển Quảng Nam – Bình Định.  

Tiếp đó, bão giữ nguyên hướng di chuyển, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Hướng đi của áp thấp.

Do ảnh hưởng của hoàn bão, trong ít giờ qua, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số có mưa rất to như An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Hoài Ân (Bình Định) 170mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm…Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10.    

Tại Quảng Ngãi:       

Chiều 12/9, tại cuộc họp với các sở, ngành địa phương để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão), ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo dừng tất cả các cuộc hợp từ ngày 12/9 đến 13/9 để tập trung cho công tác ứng phó với mưa bão.

UBND huyện Lý Sơn và Bộ đội biên phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn cấm tàu thuyền ra khơi và hỗ trợ các chủ phương tiện tàu thuyền neo đậu, ràng buộc tránh va đập khi có sóng to, gió lớn.

“Toàn bộ du khách đã được vận chuyển  vào đất liền trong sáng ngày 12/9. Nếu mưa bão kéo dài, huyện sẽ xuất 30 tấn lương thực đang dự trữ trong kho để hỗ trợ người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu ăn”, bà Hương thông tin thêm

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão trong ngày 12-9, lực lượng Công an các huyện ven biển Quảng Ngãi và Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh  đã tập trung triển khai phương án kêu gọi tàu thuyền trú an toàn và đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vào các cảng, bãi neo đậu an toàn.
Lực lượng Công an huyện Bình Sơn sắp xếp, kêu gọi tàu cá vào tập trung nấp áp thấp nhiệt đới.

Thông qua máy Icom cộng đồng, Công an các huỵên ven biển Quảng Ngãi đã thông báo diễn biến của bão, duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang đánh bắt hải sản trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ để chủ động phòng tránh. Tất cả các phương tiện trên biển đã nắm được thông tin của bão và đang trên đường di chuyển vào bờ, tìm nơi trú bão an toàn. Lực lượng Công an cũng đã sẵn sàng phương án, phương tiện và lực lượng đối phó bão.

Trung tá Phạm Thành Long – Phó Đội trưởng Thủy Đội, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay tại cảng Sa Kỳ tàu thuyền tập trung đông đúc. Rất nhiều tàu ở các tỉnh bạn chạy về đẩy tránh áp thấp. Ban đầu cũng lộn xộn nhưng đến bây giờ chúng tôi sắp xếp tàu thuyền trật tự, không để va đập nhau khi có bão”

Chiều ngày 12-9, Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bắt đầu từ 14 giờ chiều nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến ra biển kể cả tuyến vận tải khách Sa Kỳ-Lý Sơn.

Cùng với đó, tại huyện đảo Lý Sơn, Bộ đội biên phòng tiếp tục kêu gọi 343 tàu thuyền với 2.293 lao động ở Lý Sơn đang hoạt động trên biển phải khẩn trương vào bờ.

Tại Quảng Nam:

Để chủ động đối phó với ATNĐ (đã thành bão số 4), trưa 12-9, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký Công điện số 01/CĐ-UBND chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với diễn biến bão số 4.

Công điện nêu rõ, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống ATNĐ (bão số 4); bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất...

Bên cạnh đó, Công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền của tỉnh ra khơi; thường xuyên thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão số 4 để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, Công điện cũng yêu cầu Công an tỉnh Quảng Nam, Sở GT-VT triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến QL1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có bão vào bờ, nhất là các bến phà; Sở GT-VT phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn; Sở GD&ĐT, các địa phương và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học cho đến khi bão tan…

Còn theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, các tàu cá đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão số 4 và đã được hướng dẫn di chuyển đến nơi an toàn.

Do ảnh hưởng của ATNĐ cũng như bão số 4, trong ngày 12-9, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to, gây ngập úng cục bộ.

Tại cánh đồng sắn xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, mưa lớn đã gây ngập úng nhiều diện tích trồng sắn. Mặc mưa lớn, nước ngập ruộng nhưng nhiều hộ dân vẫn đội mưa ra đồng thu hoạch sắn “chạy” lũ.

Ngày 12-9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận... chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau: Thực hiện nghiêm túc Công điện số 21/CĐ-TW ngày 11/9/2016 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với áp thấp nhiệt đới.

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó. Phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức hướng dẫn, sắp xếp, neo đậu cho tàu thuyền; Tổ chức công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản tại nơi neo, đậu, tránh trú của tàu thuyền. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an... 

Anh Hiếu

                                                                

Anh Thư - Hà Ly - Ngọc Thi
.
.
.