Dự kiến sức mua hàng Tết tăng nhẹ do lương, thưởng không cao

Thứ Tư, 04/01/2017, 07:44
Tại văn bản báo cáo Thủ tướng về hàng hóa phục vụ Tết, Bộ Công Thương nhận định: Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lương thưởng Tết không cao, sức mua khó gia tăng đột biến. Do đó, mặt bằng giá cả năm nay nhìn chung ổn định, trừ việc hàng hóa có thể tăng cục bộ trong những ngày giáp Tết ở một số mặt hàng truyền thống.


Về nguồn cung, sau đợt mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung (nơi lượng sản xuất thực phẩm cho thị trường cả nước không lớn), thời tiết diễn biến tương đối ổn định (không có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài), dịch bệnh được kiểm soát nên nguồn cung các mặt hàng thực phẩm vẫn được bảo đảm, giá không tăng nhiều.

Thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn được đánh giá là tương đối thuận lợi cho nhiều mặt hàng nông sản phát triển, sản lượng dự kiến dồi dào. Đối với các mặt hàng hoa, cây cảnh, tại các vùng trồng và các chợ, nguồn hàng đã bắt đầu phong phú hơn.

Giá cả thị trường nhìn chung được đánh giá ổn định trong dịp Tết này.

Dự kiến nguồn cung những mặt hàng truyền thống như đào, mai, quất, lan, cúc... cùng với nhiều loại hoa cây cảnh lạ từ lai ghép trong nước và nhập khẩu sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.

Sức mua sẽ bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch (cao điểm sau ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch). Bộ Công Thương nhận định mặt bằng giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn.

Tuy nhiên, do các chương trình khuyến mại, bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà phân phối, bán lẻ lớn, chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 25-30%, còn lại chủ yếu vẫn qua kênh bán lẻ truyền thống (các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ) nên giá cả thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết.

Nguyên nhân do sức mua tăng dồn, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết sẽ phát sinh chi phí, bên cạnh đó, chủng loại hàng hóa phục vụ Tết thường là các mặt hàng chất lượng cao (như thủy hải sản cao cấp, gà ri, gà ta...) nên giá cả các mặt hàng này có thể biến động tăng cục bộ tại một số nơi.

Điểm lại một số mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương cho biết nguồn cung gạo được các địa phương chuẩn bị khá dồi dào, bảo đảm cung ứng và chủ động có phương án xử lý kịp thời khi giá tăng cao.

Tại hầu hết các địa phương, giá cả các loại gạo chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu dịp Tết có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-10%  so với ngày thường, gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định.

Mức giá tham chiếu hiện nay được Bộ Công Thương cho biết dao động trong khoảng 13.200 – 13.500 đồng/kg (miền Bắc), 7.300 – 7.500 đồng/kg (miền Nam) đối với gạo tẻ thường; 18.000 – 22.000 đồng/kg (miền Bắc), 15.000 – 25.000 đồng/kg (miền Nam) đối với gạo tẻ chất lượng cao.

Do giá được giữ ở mức hợp lý, bảo đảm để người sản xuất có lợi và dịch bệnh được kiểm soát tốt nên sản lượng thịt gia súc, gia cầm năm nay tăng so với năm trước. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng cuối năm, ước tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước đạt khoảng 887,5 tấn, tăng khoảng 15-20% so với tháng thường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Về giá, thị trường thịt lợn trong năm 2016 diễn biến theo hướng có lợi cho người chăn nuôi, nhưng giá cả lại phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất tiểu ngạch lợn sống sang Trung Quốc.

Do Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước, tạo chênh lệch giá lớn giữa Trung Quốc với Việt Nam (khoảng 10.000đ/kg), nên từ cuối tháng 1 đến tuần đầu tháng 5, giá lợn hơi tăng liên tiếp từ mức 41.000-45.000đ/kg (tháng 2) lên mức 50.000-55.000đ/kg (tuần đầu tháng 5).

Tuy nhiên, ngay trong tháng 5, do phía Trung Quốc tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu, nên hoạt động xuất khẩu lợn sống bị ùn ứ, giá giảm và dần ổn định trở lại vào các tháng sau đó. Cuối tháng 9 đến tháng 11, do nguồn cung sản xuất trong nước dồi dào, lượng lợn hơi xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại, đồng nhân dân tệ giảm giá và bão lụt tại miền Trung ảnh hưởng tới việc vận chuyển đến các tỉnh phía Bắc nên giá giảm khá mạnh (giảm 2.000-5.000đ/kg) xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây, miền Nam giá từ 35.000-39.000đ/kg, miền Bắc từ 38.000-42.000đ/kg. Từ giữa tháng 12 giá đã nhích nhẹ trở lại nhưng không đáng kể.

Khác với giá lợn, giá các sản phẩm gia cầm năm 2016 liên tục đứng ở mức thấp trong các tháng đầu năm (giá thấp nhất vào thời điểm tháng 7, tháng 8, giá gà lông màu xuống dưới 30.000đ/kg) do nguồn cung dồi dào và bị cạnh tranh bởi gà nhập khẩu. Giá thịt bò các loại khá ổn định trong cả năm vừa qua, hiện phổ biến từ 250.000-270.000đ/kg.

Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều hơn thịt bò nhập khẩu do giá và chất lượng khá cạnh tranh với thịt bò nội địa. Dự báo giá thịt bò vẫn sẽ tăng khoảng 5-10% sau ngày 23 Tết và giữ giá cao ở những ngày ngay sau Tết, do đây là mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

Về các mặt hàng rau củ quả: mặc dù diện tích rau tăng nhẹ (3,4%) so với năm 2015 nhưng do ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung và miền Nam nên sản lượng rau năm 2016 dự kiến đạt 15,75 triệu tấn.

Giá các loại rau củ quả (chủ yếu là rau xanh) tăng đột ngột trong 3 tháng cuối năm, nhất là tại các tỉnh miền Trung, miền Nam do nguồn cung tại các vùng rau lớn như Hà Tĩnh, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh... giảm mạnh. Tuy nhiên, đến nay do thời tiết thuận lợi hơn tại miền Bắc và miền Nam, nguồn cung tăng nên giá rau xanh đã giảm.

Một số loại trái cây đặc trưng vào dịp Tết như bưởi Diễn, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, chuối xanh... dự báo nhu cầu bắt đầu tăng từ 15 tháng Chạp nên giá sẽ tăng hơn ngày thường từ 10-20%.

Vũ Hân
.
.
.