Giông, lốc và mưa đá đã làm gần 4.900 ngôi nhà bị sập và tốc mái

Thứ Ba, 03/03/2020, 19:25
Giông, lốc và mưa đá từ tối ngày 2/3 đến chiều ngày 3/3 đã gây thiệt hại nặng cho 5 tỉnh miền múi phía Bắc là Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La. Đã có 1 người chết và 14 người bị thương.

Chiều tối ngày 3/3, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã có báo cáo nhanh về thiệt hại do giông, lốc, sét và mưa đá tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ tối ngày 2/3 đến 16h00 ngày 3/3.  Theo đó, tại 5 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La) đã xảy ra lốc, sét và mưa đá. 

Một số khu vực có mưa lớn như: Mộc Châu (Sơn La) 49mm, Hòa Bình (Hòa Bình) 51mm, Hà Giang (Hà Giang) 49mm, Láng (Hà Nội) 93mm, Cát Khê (Hải Dương) 79mm, Nho Quan (Ninh Bình) 66mm, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) 62mm. Ngoài ra, tại bản Mong, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã xảy ra một trận lũ quét cục bộ vào lúc 16 giờ ngày 2/3 tuy không thiệt hại về người nhưng đã cuốn trôi 186 con gia súc, gia cầm của người dân.

Mưa đá đã làm gần 4.900 ngôi nhà bị sập và tốc mái.

Giông, lốc, sét và mưa đá đã làm chết 1 người (anh Ly Mí Sính, sinh năm 1994, tại thôn Phóng Tủng, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chết do bị điện giật); 14 người bị thương (Yên Bái: 04 người; Hà Giang 10 người). Về nhà ở, có 348 nhà bị sập; 4.548 nhà bị tốc mái, hư hỏng. 22 điểm trường và 2 công trình văn hóa bị tốc mái, hư hỏng, 26 cột điện bị đổ. Về nông nghiệp có 371 ha lúa; 360 ha hoa màu; 62,0 ha cây trồng lâu năm, 352 ha cây ăn quả, 15 ha rừng keo bị thiệt hại.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới, tiếp tục có thể xảy ra các đợt giông, lốc, sét, mưa đá tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Rút kinh nghiệm những đợt mưa đá xảy ra gần đây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

 Đối với việc khắc phục nhà bị hư hỏng, đề nghị các địa phương huy động các nguồn lực để khắc phục theo hướng chuyển đổi từ mái lợp tấm Fibroximang sang mái tôn lạnh để ổn định lâu dài.

          

CL
.
.
.