Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó với hạn, mặn
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tự nhiên và sinh kế của hơn 20 triệu dân tại khu vực ĐBSCL là rất lớn. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực ĐBSCL từ tháng 3 đến tháng 6-2017, lượng mưa giảm, khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm trước đây.
Mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL sẽ thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 15%-30%. Trong khi đó, có khả năng mùa khô 2016-2017 thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ, do đó diễn biến mặn phức tạp, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn mùa khô 2015-2016.
Ghi nhận tại một số địa phương của ĐBSCL thì công tác triển khai các giải pháp quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ, tập trung điều tiết nước và tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi… đã và đang được thực hiện “ráo riết”.
Đặc biệt, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đất lúa để xây dựng hệ thống thủy nông nội đồng và các ô thủy lợi khép kín; vận động nông dân chủ động làm thủy nông hộ, tôn cao bờ bao ao đầm để trữ nước và phòng chống triều cường; chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, đẩy nhanh tiến độ nạo vét, cải tạo các tuyến kênh…
Ngành Nông nghiệp Hậu Giang đang xây dựng cống số 7 (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn sắp tới. |
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, theo kế hoạch phòng chống hạn, mặn của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tiến hành lập kế hoạch đóng các cửa cống từ Ba Voi đến Tám Ngàn thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No để chuẩn bị ngăn mặn phía Bắc Xà No của tỉnh Hậu Giang và hệ thống cống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh khi độ mặn ngoài kênh Xà No vượt mức cho phép để bảo vệ sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh xây dựng kế hoạch dự báo, cảnh báo tình hình xâm nhập mặn, cũng như xây dựng các trạm đo mặn, đo mực nước tại các cửa sông chính để kiểm soát mặn xâm nhập từ Biển Đông và Biển Tây vào địa bàn tỉnh nhằm có dự báo, cảnh báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến hạn, xâm nhập mặn…
Những ngày qua, UBND các địa phương, nhất là huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh (Hậu Giang) đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Thủy lợi quan trắc độ mặn hàng ngày và có báo cáo về tỉnh. Đồng thời xác định rõ các vùng có khả năng xâm nhập mặn và đề xuất kế hoạch nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn tưới tiêu và trữ ngọt đảm bảo phục vụ tốt cho vụ lúa Xuân Hè và Hè Thu năm 2017. Trên cơ sở đó, xác định các đập thời vụ trong vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn để tiến hành đắp kịp thời khi nước mặn tràn về…
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016-2017. Theo đó, giao Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, mặn phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2016-2017. Chỉ đạo các đơn vị, các địa phương khẩn trương triển khai đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt theo kế hoạch.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô 2016 – 2017, Sở NN&PTNT đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong thâm canh chuỗi sản xuất lúa, tôm nhằm không làm ảnh hưởng đến việc chuyển khai đề án trở thành “Thủ phủ tôm công nghiệp” của Việt Nam.
Khuyến cáo bà con không xuống giống vụ Đông - Xuân ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt và không thả tôm giống trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5 dương lịch) để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và độ mặn tăng cao. Tiếp tục phối hợp với hai tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối, hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt.