Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở 62 tỉnh, thành

Thứ Bảy, 13/07/2019, 09:03
Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội nghị triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh virus nguy hiểm này đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành với hơn 3,3 triệu con lợn phải tiêu hủy do Bộ NN&PTNT tổ chức. Cũng tại cuộc họp này, nhiều tỉnh, thành cho hay không còn tiền chi hỗ trợ dân...

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 160 ngày tràn vào Việt Nam, tới nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới trên 3,3 triệu con. 

Trong đó có 4.560 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày; có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh đã qua 30 ngày; có 116 xã thuộc 73 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Như vậy, cả nước hiện nay chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan.

Ở các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNN là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh, nên thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, phát tán đến các xã, huyện chưa có dịch. Đặc biệt là khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn.

Lý giải tình hình trên, đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài nguyên nhân virus dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát… thì việc chăn nuôi hộ gia định nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học cũng làm lây lan dịch.

Bên cạnh đó, những yếu kém trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương cũng chính là tác nhân khiến dịch bùng phát nhanh.

 “Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển  tự phá huỷ niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển”, đại diện Cục Thú y thừa nhận.

Lực lượng chức năng đào hố tiêu hủy lợn mắc bệnh.

Lo ngại trước tình trạng lây lan của dịch bệnh, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải thốt lên “không hiểu sao càng dập dịch càng lan rộng?”. Theo đó, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy tại Quảng Ninh đã chiếm 36% tổng số đàn lợn của tỉnh.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: “Nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh chỉ có 180 tỷ đồng, trong khi số thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tới thời điểm hiện tại đã lên tới 600 tỷ đồng”.

Bổ sung thêm thông tin, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng có rất nhiều khâu trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi phải xem xét lại.

“Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh phương thức chăn nuôi tại các địa phương. Nếu cứ giữ mô hình nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư thì dịch vẫn tiếp tục xảy ra, lúc nào chúng ta phải chạy theo chống dịch”, ông Hậu nói và nhấn mạnh: “Vấn đề giết mổ cũng cần phải kiểm soát mạnh hơn, nếu không, cho dù khâu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thì nguồn lây lan dịch vẫn hiển hiện. Ngoài ra, cần kiểm tra lại khâu chôn lấp xử lý dịch bệnh. Chẳng hạn như Hà Nam, địa hình thấp hơn mặt nước biển mà lại đem chôn thì dịch cứ thế mà loang ra theo nguồn nước…”.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến hiện tại, chưa đại dịch nào gây tác hại lớn và khó khăn, cũng chưa có một loại dịch bệnh gì mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một các đồng bộ, sáng tạo, có các biện pháp từ kế hoạch ngay từ đầu và linh hoạt thay đổi như dịch tả lợn châu Phi.

Song, đến nay dịch tả lợn châu Phi vẫn lan rộng, 175.000 tấn thịt đã bị tiêu hủy, thiệt hại rất lớn chủ yếu vào hộ nhỏ lẻ, liên quan đến sinh kế người dân và liên quan đến kinh phí hỗ trợ...

"Để đảm bảo thiệt hại nhỏ nhất, nhóm giải pháp thời gian tới đó là biện pháp an toàn sinh học ở mức độ cao nhất kể cả hai nhóm hộ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhóm hộ trang trại chăn nuôi lớn. Thực tiễn đã chứng minh cứ làm an toàn sinh học tốt thì bệnh dịch khó có thể thâm nhập vào đàn lợn, tổng số đàn lợn chết vừa qua chủ yếu là các hỗ nhỏ lẻ nơi khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, còn những hộ lớn vẫn giữ nguyên được. Điều đó chứng minh rằng, nếu làm tốt an toàn sinh học ở tất cả từng khâu từng công đoạn thì chúng ta sẽ chủ động ngăn chặn được dịch bệnh này. Đồng thời, thúc đẩy các biện pháp khác như nghiên cứu vaccine, bước đầu cũng có kết quả. Ngoài ra, ứng dụng các chế phẩm khác phối hợp với giải pháp an toàn sinh học làm hiệu quả hơn trong công tác phòng dịch", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

*Thí điểm mô hình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả cấp xã

Ngày 12-7, ông Nguyễn Văn Hoàng,Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, theo báo cáo mới nhất, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 263 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 132 khu phố, ấp, 61 xã phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố; đã tiêu hủy 4.360 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đã chọn thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng), xã Bình An (huyện Kiên Lương) và phường Tô Châu (TP Hà Tiên) để triển khai thí điểm mô hình phòng, chống DTLCP cấp xã đạt hiệu quả.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đã cấp 33.000 tờ rơi và 140 cuốn sổ tay hướng dẫn phòng, chống DTLCP, cấp 20.816 lít hóa chất Benkocid thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, còn tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTLCP để thực hiện theo Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đức An

* Quảng Ngãi xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi

Sau khi bị dịch tả vài ngày, đến trưa 11-7, trang trại lợn thả rông, với 80 con của hộ gia đình ông Hồ Minh Dương, ở tổ 4, thôn Trà Gia, xã Trà Lâm (Trà Bồng, Quảng Ngãi) đã bị chết. Nhận được tin, lực lượng Công an và Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh huyện Trà Bồng, phối hợp cùng chính quyền xã Trà Lâm nhanh chóng cắm biển, khoanh vùng kiểm soát việc vận chuyển lợn trên tuyến giao thông; cho tiêu hủy đàn lợn theo quy định, tránh tình trạng mang lợn chết đi tiêu thụ. Theo cơ quan Thú y, khả năng đàn lợn của gia đình ông Dương chết vì lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trước đó, tại xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng cũng đã xuất hiện ổ DTLCP.

N.Thùy

Nhật Uyên
.
.
.