Để tránh nỗi đau đuối nước trong mùa hè

Thứ Hai, 03/06/2019, 08:26
Trong số hơn 2.000 trẻ tử vong mỗi năm do đuối nước được thống kê tại Việt Nam, thì chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 - 2019 tới nay đã xảy ra 4 vụ đuối nước thương tâm do học sinh đi tắm sông, để lại nỗi đau xé lòng không chỉ cho thầy, trò, gia đình nạn nhân, mà còn để lại dư chấn nặng nề cho cộng đồng, người dân nơi xảy ra tai nạn. 

Điều cấp thiết là gia đình, nhà trường cần phải có giải pháp quản lý con em trong dịp hè với các hoạt động bổ ích, an toàn.

Nỗi đau từ các cuộc "giải nhiệt" mùa hè

Đuối nước trong nhiều năm nay luôn được ngành Giáo dục xếp vào vị trí đứng đầu bảng về tai nạn thương tích với trẻ em, nhất là trong môi trường học đường. 

Thế nhưng, cứ vào thời điểm tháng 5, bên cạnh những kỷ niệm đầy thi vị của học trò với những dòng lưu bút mến thương viết vội; thì cũng là thời điểm có nhiều vụ học sinh đuối nước nhất trong năm mà nguyên nhân do các em tự tổ chức đi "giải nhiệt" mùa hè. 

Vì nhiều lý do, do bất cẩn, do thiếu kinh nghiệm cứu đuối mà  từ ngày 7-5-2019 cho tới gần đây nhất là vào 30-5 đã có tới 4 vụ việc đuối nước tập thể xảy ra trên một số địa phương làm rơi nước mắt của cả cộng đồng.

Trước đó vào ngày 7-5 trên địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, một nhóm 5 em rủ nhau đi tắm sông Đồng Nai và trong nhóm đi có 2 em bị đuối nước chết thương tâm. 

Tập bơi là chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Ngày 20-5 tại địa bàn xã Ninh Sim (Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ đuối nước khiến 4 học sinh tử vong. Các em học trường THCS Tô Hiến Thành rủ nhau ra con suối (một nhánh sông Cái), đoạn chảy qua Dục Mỹ (xã Ninh Sim) tắm. Khi cả nhóm đang tắm, bất ngờ bị lọt xuống hố sâu. Cả 4 em đều bị nhấn chìm. Tối cùng ngày cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể 4 nạn nhân. Gồm 3 nữ, 1 nam đang học lớp 6,7,8 trường THCS Tô Hiến Thành.

Ngày 23-5, sau khi dự lễ tổng kết năm học tại Trường THCS Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, một nhóm các em đều là học sinh lớp 6 Trường THCS Thanh Thạch rủ nhau ra sông Gianh, để tắm. Không may 3 em Trang, Ly và Hường trượt chân xuống sông. Các học sinh còn lại chạy đi tìm người cứu nhưng không kịp.

Vụ việc mới đây nhất là ngày 30-5, xảy ra tại xã Bắc Thành (Yên Thành, Nghệ An) khiến 5 học sinh lớp 8 THCS Trung Thành tử vong thương tâm. Nhóm các em đến đập nước Trại Xanh (xã Bắc Thành) chơi và tắm. Chuyến đi dã ngoại này của các em đã để lại hậu quả thương tâm là 5 em học sinh bị đuối nước. 

Bất cứ ai chứng kiến cuộc kiếm tìm thi thể các em cũng không khỏi rơi nước mắt khi mà có 4 em được vớt lên trong tình trạng ôm chặt nhau và 5 em tử vong đều sinh năm 2005.          

Sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật quyết định sự sống còn của nạn nhân

Dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các địa phương, tùy vào tình hình thực tế để tổ chức các khóa học bơi, kỹ năng an toàn cho trẻ bằng kinh phí địa phương để phổ cập bơi cho trẻ từ 6-12 tuổi. Nhiều nơi đã thực hiện tốt nhờ việc xã hội hóa, xây dựng bể bơi di động, dạy bơi miễn phí cho học sinh. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn chủ quan lơ là vấn đề này. 

Có những nơi nhà trường cùng phối hợp tốt với phụ huynh dạy bơi cho trẻ, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhắc nhở học sinh trong các buổi chào cờ; sinh hoạt lớp, về các biện pháp chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước. 

Qua đó, giúp học sinh trong trường hiểu rõ mối nguy hiểm khi tắm sông, suối, ao, hồ nơi vắng vẻ, không có người lớn đi cùng; cũng như không chơi gần những khu vực ao hồ, sông suối có biển báo cấm, nhằm hạn chế tai nạn đuối nước xảy ra. Tuy nhiên, số vụ việc học sinh bị đuối nước hàng năm vẫn chưa hề giảm.

Ths.BS Nguyễn Đình Quy- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2 phân tích: ngạt nước (còn gọi chết đuối) là tình trạng bị ngạt khi chìm trong nước do hít phải nước hay do sự co thắt thanh quản. 

Các tình huống thường xảy ra ngạt nước là: Trẻ nhỏ lọt vào trong các vật chứa nước trong nhà. Hoặc ở trẻ không biết bơi, khi không may rơi xuống ao, hồ, kênh, rạch, sông hoặc có khi học sinh biết bơi nhưng kiệt sức, bị vọp bẻ, động kinh hoặc cứu lẫn nhau thiếu kinh nghiệm. 

Theo đó, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho trẻ nắm, ném phao cho trẻ; Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Khi đó, nếu lồng ngực không di động tức là trẻ ngưng thở, hãy tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng hai cái chậm. 

Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không, nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ : 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên) và phải tiếp tục các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu có nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên trẻ chăn mền hay tấm khăn khô. Người cấp cứu không nên thực hiện động tác sốc nước. 

Vì không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như ta vẫn thường nghĩ. Việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc. 

Trẻ bị ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế sẽ làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Cũng có một thói quen sai lầm nữa là hơ lửa làm ấm nạn nhân bị đuối nước nhưng thực ra lại dễ làm bỏng nạn nhân.      

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. 

Trong khi đó, tỷ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em. Tâm lý các bậc phụ huynh và nhà trường đều lo lắng trong việc quản lý trẻ em trong dịp nghỉ hè. Việc tổ chức các cuộc dã ngoại, bổ sung kỹ năng sống, tạo điều kiện cho các em vui chơi giải trí cũng rất cần thiết nhưng phải có phương án tuyệt đối an toàn, kể cả an toàn giao thông, an toàn dưới nước… 

Vì thế việc cấp thiết, thường xuyên là gia đình cùng nhà trường phải có phương án bàn bạc thống nhất chọn giải pháp quản lý, tổ chức phương án tốt nhất cho các em vui chơi trong dịp hè…

Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.