Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong kỷ nguyên 4.0

Thứ Sáu, 29/11/2019, 16:39
“Ứng dựng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” là chủ đề của hội thảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29-11.


Tại hội thảo, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có nhiều kết quả khả quan, cung cấp các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương; một số lao động khi được hỗ trợ chi phí học nghề nhưng chưa chấp hành tốt nội quy học tập, không đi học đều hoặc bỏ học giữa chừng; nhiều người lao động vì mưu sinh trong đời sống cấp thiết hoặc chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề nên không học nghề... 

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nghề cho lao động ở cấp huyện chưa có chuyên trách, thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục những hạn chế đó và tham gia sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới, các đơn vị chức năng cần có sự thay đổi nội dung giảng dạy cho phù hợp, trong đó mô hình, chương trình, phương thức giáo dục, đào tạo nghề nghiệp phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người lao động dễ thực hiện; cần cung cấp kỹ năng để người học có tư duy sáng tạo, dễ thích nghi với những thách thức và yêu cầu trong công việc; tay nghề phải nâng cao để tham gia thị trường lao động trong khu vực cũng như quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, cấn áp dụng các giải pháp, kinh nghiệm có hiệu quả trong việc áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng sẽ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong sản xuất, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 “Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như trồng hoa lan, cây kiểng, lươn, bò thịt, chim yến…”.


Nhân Sơn
.
.
.