Đào kênh dẫn nước vào cứu rừng phòng hộ ven biển

Thứ Sáu, 15/05/2020, 07:50
Khu rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đang đứng trước nguy cơ bị chết khô nhiều do thiếu nước. Cơ quan chức năng đã cho đào kênh lấy nước. Tuy nhiên hiện thủy triều kém nên nước chưa lên tới chân rừng.

Ngày 13/5, ông Trần Trọng Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, cho biết, khu rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đang đứng trước nguy cơ bị chết khô nhiều do thiếu nước. Ngày 12/5, Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã và Hạt Kiểm lâm đã khảo sát và cho đào kênh lấy nước. Tuy nhiên hiện thủy triều kém nên nước chưa lên tới chân rừng.

Ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND TX Vĩnh Châu cho biết, khu rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải xảy ra tình trạng bị chết do thiếu nước. Diện tích rừng bị chết chủ yếu ở khu vực đất gò, chỗ tiếp giáp nước đầu vào của hai đầu cống không đủ nước, hệ thống kênh dẫn nước bị bồi lắng.

“Năm nay hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn gay gắt dẫn đến thiếu nước, khiến một số diện tích rừng bị chết. Trước mắt, địa phương đã cho mở cống lấy nước cứu rừng, sau đó thị xã sẽ bàn với ngành Nông nghiệp chọn thời điểm thích hợp để trồng mới, khôi phục diện tích rừng đã thiệt hại”, ông Thắng cho biết thêm.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, khu vực có rừng bị chết nằm ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, chủ yếu là cây đước, với khoảng 15.000m² rừng phòng hộ bị chết khô. Tuy nhiên, còn nhiều rất nhiều rừng đước đang chết khô lỏm chỏm, chưa đo đếm được. 

Người dân địa phương cho biết, đây là lần đầu tiên rừng phòng hộ bị chết khô do năm nay, cả nước sông và nước biển đều không lên đến gốc rừng, làm cho đất dưới gốc cây bị khô. Từ năm 2017 trở về trước, rừng khu vực này phát triển tốt, có cây con tái sinh do có nước biển dẫn lên thông qua rạch Hồ Bể - Giồng Chùa và cống Năm Đoàn. 

Nhưng từ khi thi công công trình nâng cấp đê biển, đắp đập ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa và xây dựng lại cống Năm Đoàn vào năm 2017, nước biển không vào được rừng. Nguồn nước được dẫn lên từ phía sông Mỹ Thanh, thông qua kênh Giồng Chùa không đủ nước để cấp cho khu vực rừng này.

Cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đang bơm nước vào cứu rừng.

Ông Trần Trọng Khiêm thông tin thêm, diện tích rừng bị chết khoảng 15 năm tuổi. Sau khi lấy nước cứu rừng, ngành Nông nghiệp sẽ bàn với thị xã Vĩnh Châu chọn thời điểm thích hợp để trồng mới, khôi phục diện tích rừng đã thiệt hại. 

Hướng khắc phục, theo ông Trần Hoàng Thắng, thị xã Vĩnh Châu sẽ làm việc với ngành Nông nghiệp thống nhất trong khâu quản lý, đầu tư và vận hành hệ thống thủy lợi bởi đất rừng do Chi cục Kiểm lâm quản lý, còn kênh rạch do địa phương quản lý nên phải thống nhất để có kế hoạch đầu tư thủy lợi, không để xảy ra tình trạng rừng phòng hộ bị chết. 

Người dân địa phương cho biết, rừng phòng hộ ven biển chết khô khiến sinh kế của bà con trong khu vực vốn sống nhờ vào rừng như bắt ốc, cua, cá, thu nhặt củi… bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên rất mong chính quyền và ngành chức năng sớm có giải pháp cứu rừng phòng hộ này.

“Sóc Trăng có 72km bờ biển, 22km cửa sông, nằm bên bờ sông Hậu, tiếp giáp biển Đông, được bao phủ bởi đai rừng phòng hộ ven biển với hệ sinh thái rừng rất phong phú, có giá trị to lớn về đa dạng sinh học, cải tạo môi trường, chống xói lở, ứng phó với BĐKH và an ninh quốc phòng. 

Đến nay Sóc Trăng có trên 7.355ha rừng phòng hộ (rừng ngập mặn). Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong việc triển khai dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2011 - 2020; dự án trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH, dự án chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn chống xói lở bảo vệ đê biển… năm 2019 tỉnh Sóc Trăng trồng mới thêm được 243ha rừng phòng hộ”, ông Trần Trọng Khiêm chia sẻ. 

Nếu như năm 2016, Sóc Trăng chỉ có 10.653,7ha diện tích đất có rừng thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên 16.258,5ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển chiếm đa số với tổng diện tích trên 7.355ha. Sóc Trăng được đánh giá là địa phương thực hiện tốt nhất công tác giữ gìn, phát triển, mở rộng diện tích trồng rừng phòng hộ của cả nước. 

Công tác phòng chống cháy rừng của Sóc Trăng nhiều năm qua được quan tâm nên địa phương này dù có hàng chục ngàn hecta rừng nhưng chưa xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng nào.

Đ.Văn – C.Xuân
.
.
.