Dân Sài thành thích thú đi… “chợ Lào”

Thứ Bảy, 27/01/2018, 09:10
Từ ngày 24 đến 28-1, “Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Lào tại TP Hồ Chí Minh” được tổ chức tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1). Đây là chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa Lào với quy mô lớn lần đầu tiên tại Việt Nam do Tổng lãnh sự quán CHDCND Lào thực hiện.

Tại sự kiện, có hơn 100 gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) đến từ các tỉnh, thành phố của Lào, các DN Việt Nam đầu tư tại Lào và các DN đang có giao thương tại thị trường Lào. Theo Ban tổ chức, các địa phương và các DN Lào đưa sang tổng cộng 126 tấn hàng hóa gồm 139 loại sản phẩm.

Các gian hàng bố trí theo từng địa phương và theo từng nhóm sản phẩm. Trong đó có một số gian hàng của các DN nổi bật như: Nhà máy chế biến cam, nhà máy trái cây sấy khô Đào, công ty cà phê Đào, công ty cà phê Cay, nhà máy xay lúa  Phongsavanh, thủ công mỹ nghệ Meua Lào...

Rất đông người tiêu dùng thử và mua sản phẩm nếp Lào.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại các gian hàng bán tỏi, trà, nếp của Lào, chỉ mới “chào” được hai ngày nhưng những sản phẩm này đang trong tình trạng “cháy” hàng. Như sản phẩm nếp Chim Công Lào, giá 35.000 đồng/kg, sau khi dùng thử sản phẩm được nấu chín tại chỗ, rất đông người tiêu dùng (NTD) mua.

Bà Ngô Thị Lịch (ngụ phường Đa Kao, quận 1), mua một lúc 10kg, giá giảm còn 34.000đ/kg cho biết: “Nếp của Lào khác với nếp của Việt Nam, đó là khi nấu chín vẫn còn nguyên hạt (không nở), không nhão, rất thơm và ngọt hậu”. Hay với sản phẩm tỏi cô đơn xuất xứ Lào, mặc dù giá khá cao, 700.000 đồng/kg, nhưng chiều 25-1, nhiều NTD có nhu cầu mua cũng đã hết hàng...

Ngoài những sản phẩm xuất xứ Lào, theo ghi nhận của PV, tại khu trưng bày còn có một số ít gian hàng bán các sản phẩm ngoại nhập khác như cà phê của Thái Lan; kẹo dẻo các loại, bánh chocochip của Pakistan; dầu ăn hướng dương của Nga... được bán với giá khuyến mãi.

Có thể thấy, các sản phẩm của Lào được các DN mang sang giới thiệu đến NTD Việt Nam rất phong phú, đa dạng và nhiều sản phẩm khác lạ đối với thị trường trong nước. Đó là các loại đặc sản vùng miền, gồm khô heo, khô bò, nước chấm đặc trưng của các dân tộc Lào; các sản phẩm gia truyền của các dân tộc Lào (thảo dược và thực phẩm dinh dưỡng); các loại thức uống (trà, phê, bia, thức uống dinh dưỡng...) với gần 40 loại sản phẩm; các loại nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ; gỗ nội thất được làm từ các loại gỗ chất lượng cao và kỹ thuật chế tác của nghệ nhân Lào; mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề...

Trong lễ khai mạc, ông Thongsavanh Phomvihane, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam cho rằng, Tuần lễ sản phẩm DN Lào có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên được tổ chức riêng cho sản phẩm của Lào. Ông tin tưởng rằng, sự kiện này góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, đặc biệt, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào – Việt nói chung, phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh của Lào nói riêng.

Thúy Hà
.
.
.