Đà Nẵng khẩn cấp đầu tư công thêm một nhà máy để “trả nước” cho dân
Ngày 25-11, thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đà Nẵng đã lên phương án đầu tư công đối với NMN Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày đêm dựa vào khả năng cân đối nguồn lực năm 2019 của thành phố.
Cụ thể, nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2018 là 950 tỉ, nguồn xây dựng cơ bản bố trí 300 tỉ, tổng là 1.250 tỉ, tương đương với nguồn vốn cần cho dự án là 1.243 tỉ. Sở KH&ĐT sẽ là giao cho một BQL dự án đứng ra tổ chức đấu thầu. Thời gian xây dựng dự án khoảng 25 tháng. Sau đó là đấu thầu chọn đơn vị vận hành và việc này phải làm song song với quá trình xây dựng để kịp thời vận hành ngay sau khi xây dựng xong...
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Dawaco cho biết, đơn vị đã chủ quan, không lường trước nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ. |
Trước đó, ngày 24-11, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng -Trương Quang Nghĩa cùng với lãnh đạo các ban ngành liên quan đi kiểm tra thực tế hiện trường trạm bơm An Trạch và làm việc với Công ty CP cấp nước (DAWACO). Tại đây, ông Nghĩa cho biết, trong những ngày người dân thiếu nước sinh hoạt, trục trặc của trạm bơm An Trạch là không thể chấp nhận được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước của Đà Nẵng thời gian vừa qua phần lớn là do chủ quan, công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước đang bộc lộ những yếu kém hạn chế cần được khắc phục.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Dawaco cũng thừa nhận: Đơn vị đã chủ quan, không lường trước nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ nên lúng túng trong điều hành. Dawaco chưa kịp thời ứng phó với sự cố bơm, cho dù sự cố xảy ra trong đợt mặn, dẫn đến không có máy bơm dự phòng từ ngày 3 đến 9-11.
Cũng theo ông Ảnh, khi xảy ra tình trạng thiếu nước, việc thông tin đến khách hàng còn chậm trễ, chưa thông báo kịp thời bằng tin nhắn cho từng khách hàng nên không nhận được sự thông cảm của khách hàng, gây dư luận và suy diễn không đáng có.
Nước là nhu cầu thiết yếu cao nhất của người dân, là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng cuộc sống. Hiện tại, thành phố đang cung cấp nước sạch bình quân khoảng 270.000m3/ngày- đêm. Dự báo năm 2019 nhu cầu nước sạch sẽ vào khoảng 351.000m3; đến năm 2020 là 462.000 m3/ngày- đêm và với tình hình tăng trưởng của thành phố thì dự báo sẽ phải cung cấp đến 536.000m3/ngày-đêm. Đảm bảo an ninh nguồn nước, đầu tư nhà máy nước Hòa Liên, nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ, xây dựng thêm các hồ dự trữ nước … đang là những bài toán khó được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong dân ngày càng tăng thêm,
Theo tính toán của Sở Xây dựng, trong năm 2019, với sự nâng cấp 2 giai đoạn của nhà máy nước Cầu Đỏ mỗi giai đoạn 60.000m3) cùng với các công trình hồ Hòa Trung, suối Lương, Khe Cạn …, việc cung cấp nước cho thành phố có thể đảm bảo.
Đặc biệt, cùng với việc xây dựng các công trình cấp nước, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Hiện nay nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Nẵng qua nhà máy nước Cầu Đỏ toàn bộ lấy từ nguồn các con sống phía thượng nguồn là Quảng Nam.
Thời gian qua, do việc xây dựng các công trình thủy điện trên lưu vực các sông Vu Gia-Thu Bồn dẫn đến việc chia bớt phần nước về Đà Nẵng. Trong các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước thô về nhà máy nước Cầu Đỏ, tăng lượng nước dẫn về sông Cầu Đỏ để đẩy mặn, thành phố cần làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Quảng Nam, đề nghị nghiên cứu lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, điều phối lượng nước xả trong mùa cạn và mùa lũ; đồng thời đề nghị với Quảng Nam đắp đập tạm ngăn dòng trên sông Quảng Huế, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế để tăng lượng nước hạ du sông Vu Gia, khôi phục trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ cho sinh hoạt sản xuất.