Nội soi gắp dị vật cứu sống rùa biển bị ngộ độc rác thải

Chủ Nhật, 02/12/2018, 17:45
Sau gần 2 tiếng đồng hồ thực hiện ca nội soi hệ tiêu hóa, được chia làm 3 lần với các khoảng thời gian nghỉ để không làm rùa mất sức; nhiều dị vật đã được các bác sĩ lấy ra thành công, như lưới, plastic và những miếng xốp…

Ngày 2-12, thông tin từ bệnh viện Gia Đình (TP Đà Nẵng): Lần đầu tiên bệnh viện đã nội soi, cứu sống một “ca bệnh” hy hữu và rất đặc biệt đó là một cá thể rùa biển bị nhiều dị vật làm tổn thương đường tiêu hóa.

Cá thể rùa biển được đặt tên là Chi (tên khoa học Chelonioidea), giống cái này có trọng lượng 8,2 kg, khoảng từ 4- 5 năm tuổi, được cứu nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa giải cứu tại đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) với tình trạng bị một số tổn thương ở đầu, cổ. Nghiêm trọng nhất là khi chụp X-Quang đã phát hiện nhiều dị vật làm tổn thương đường tiêu hoá. Khi được tìm thấy, hai chi trước của rùa rất yếu.

Trước đó, ngày 20-11, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) báo tin cá thể vích này bị nhiều vết thương, suy kiệt, không tự bơi được. Nhóm cứu hộ Sasa đã tiếp nhận, điều trị bằng kháng sinh khoảng một tuần nhưng rùa biển Chi không khỏi, ngày càng yếu. 

Qua chụp X Quang, nhóm phát hiện trong hệ tiêu hóa vích đầy dị vật như nhựa, xốp, búi cước, các loại rác thải du lịch này là nguyên nhân vích không ăn được, do đó cần đưa ra Đà Nẵng để nội soi gắp dị vật. 

Những hình ảnh chụp nội soi, lấy dị vật trong đường tiêu hóa của rùa biển Chi.

Do tình trạng rùa yếu, nhóm cứu hộ rùa biển đã quyết định phối hợp với bệnh viện Gia Đình thực hiện ca nội soi. Sau gần 2 tiếng đồng hồ thực hiện ca nội soi, được chia làm 3 lần với các khoảng thời gian nghỉ để không làm rùa mất sức; nhiều dị vật đã được các bác sĩ lấy ra thành công, như lưới, plastic và những miếng xốp...

Cũng theo bệnh viện Gia Đình, kết quả cuộc nội soi tối 29-11 chỉ gắp được tầm 1/10 dị vật. Còn một số búi lớn nghi là lưới cắt bị mắc trong đại tràng của rùa vẫn chưa được lấy ra. Khoảng 3-4 ngày đến các bác sĩ sẽ thực hiện tiếp cuộc nội soi lần 2. Hiện tại, sức khỏe rùa đã cải thiện hơn và có thể bơi tốt hơn.

 Sau gần 2 tiếng đồng hồ thực hiện ca nội soi rùa biển Chi đã được các bác sĩ cứu sống, lấy ra thành công ra khỏi hệ tiêu hóa nhiều dị vật lưới, plastic và những miếng xốp…

Việc “giải cứu” bằng phương pháp nội soi, lấy dị vật trong đường tiêu hóa của rùa biển Chi cũng chính là lời cảnh báo mạnh mẽ về những hành vi vô ý thức, của con người, du khách ở những khu bảo tồn. Các rác thải từ plastic chính là mối đe dọa, khiến môi trường biển bị ô nhiễm và gây tổn hại nghiêm trọng đến các loài sinh vật đại dương.

Hoài Thu
.
.
.