Nhiều con nữ công nhân Bình Dương vẫn còn khát sữa mẹ:

Cuộc mưu sinh “làm khó”… tình mẫu tử

Chủ Nhật, 07/12/2014, 11:19
Tỉnh Bình Dương hiện có gần 900.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó, có trên 75% là công nhân nữ. Do phải thường xuyên làm theo ca nên rất nhiều nữ công nhân không có thời gian về cho con bú, phải mỗi ngày vắt sữa bỏ hai lần. Để có sữa nuôi con, nữ công nhân phải mua sữa hộp, vừa lãng phí lại tốn kém kinh tế, ảnh hưởng tới sức khỏe các cháu và kinh tế gia đình .

Chị Trần Thị Sương – công nhân Công ty Giày Hân Xương (KCN Mỹ Phước 1, TX Bến Cát, Bình Dương) cho biết: “Đọc trên sách báo, chúng em biết nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để đứa trẻ tránh được bệnh tật, phát triển khỏe mạnh, thông minh nhưng những công nhân như chúng em, không phải ai cũng được nuôi con bằng chính sữa của mình. Em có con đã được 8 tháng tuổi, nhà thì ở xa so với chỗ làm nên ngày ngày không thể tranh thủ về cho con bú được. Cháu ở nhà toàn phải bú sữa ngoài. Với mức lương 4 triệu đồng/tháng, em phải dành 1 triệu đồng mua sữa hộp cho con trong khi mỗi ngày phải vắt bỏ 2 lần sữa mẹ. Mỗi lần vào nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi trong lúc con nhỏ ở nhà thì đang khát sữa, em lại nghĩ đến chuyện nghỉ việc để ở nhà chăm con nhưng nếu nghỉ việc thì lấy gì để lo cho con, lo cho cuộc sống? Ở công ty em, cũng có hàng trăm nữ công nhân có hoàn cảnh giống em”

Chị Ngõ Thị Lành – công nhân Công ty Giày Thông Dụng (phường An Phú, TX Thuận An, Bình Dương) than thở: “Em có con nhỏ mới gần 9 tháng, những ngày đi làm, ở suốt trong công ty vì nhà trọ xa lại phải thường xuyên tăng ca, tăng kíp đến 9-10h tối mới về. Sữa của mình phải vắt bỏ đi, con ở nhà thì khát sữa, phải uống sữa ngoài, không hợp nên ốm yếu. Nhìn cháu ngày càng xanh xao gầy còm mà thấy đau lòng...”.

Chưa hết đau buồn tức tưởi, chị Phạm Thị Mai – công nhân KCN Sóng Thần kể: “Em lấy chồng đầu năm 2010. Hai vợ chồng đều là công nhân, kinh tế khó khăn nên mãi đến tháng 2-2014, em mới sinh cháu trai đầu lòng. Tháng 8 em phải đi làm, con ở nhà trọ với bà ngoại. Thời gian này, công ty rất nhiều việc, em thường xuyên phải tăng ca, không có nhiều thời gian để chăm sóc cháu. Mỗi ngày, em phải vắt bỏ sữa mẹ hai, ba lần, trong khi ở nhà con em phải uống sữa hộp. Đầu tháng 11, cháu bị bệnh, em đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương được 2 ngày, cháu mất. Vợ chồng em rất đau lòng vì được bác sĩ cho biết rằng cháu chết vì bị suy kiệt dinh dưỡng. Sữa mẹ thì dư thừa phải vắt bỏ, con chết vì thiếu sữa mẹ, càng nghĩ em càng ân hận vô cùng”.

Để công nhân nữ trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ yên tâm lao động, bảo vệ sức khỏe cho các cháu, năm 2010, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức Alive and Thrive đã xây dựng chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Riêng ở Bình Dương, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (phường An Thạnh, TX Thuận An) được xem như là một mô hình áp dụng thí điểm. Việc xây dựng gần khu làm việc của công nhân một phòng vắt - trữ sữa mẹ đã đem lại nhiều niềm vui cho nữ công nhân. Chị Lê Thị Kiều Trinh phấn khởi: “Tôi cũng như nhiều nữ công nhân ở đây rất yên tâm, phấn khởi lao động vì không còn nỗi lo con thơ ở nhà thiếu sữa mẹ, tiết kiệm được nguồn sữa sạch, giàu chất bổ dưỡng, tiết kiệm được một khoản tiền lớn vì không phải mua sữa hộp cho con”.

Nữ công nhân trong giờ vào ca.

Anh Nguyễn Minh Hoàng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng cho biết: “Công ty có trên 90% lao động nữ, trong đó có khoảng 500 nữ lao động đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ. Sau một thời gian đưa phòng vắt trữ sữa vào hoạt động, số nữ công nhân xin nghỉ việc để chăm sóc con đau ốm, bệnh tật đã giảm hẳn. Nữ công nhân rất phấn khởi gắn bó với công ty”.

Gần đây, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (KCN VSIP II) phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương cũng đã xây dựng phòng tự vắt, trữ sữa cho nữ công nhân. Tuy vậy, một số nữ công nhân ở đây chưa mặn mà với cabin vắt sữa, còn phân vân lo lắng về các trang thiết bị chuyên dùng ở đây vì chưa đảm bảo vệ sinh. Có nữ công nhân đã vắt sữa rồi nhưng không mang về cho con bú.

Bà Trương Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương khẳng định: “Mặc dù đã có một số mô hình hỗ trợ nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ nhưng vẫn còn rất nhiều con nữ công nhân không được bú sữa mẹ đều đặn vì mẹ phải làm việc theo ca, không có thời gian về nhà cho con bú. Để các cháu thường xuyên được bú sữa mẹ, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này từ Công ty TNHH Shyang Hung Cheng ra các doanh nghiệp khác. Đây là việc làm không chỉ đơn thuần là việc chăm sóc con cái, quan tâm đặc biệt tới các cháu nhỏ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung”.

Ngọc Ánh
.
.
.