Cửa hàng rửa xe máy trên phố cổ của những người sau cai nghiện
Nếu hỏi thăm quanh khu phố này, ai cũng biết anh Quý là người quản lý cửa hàng rửa xe máy đã có tiền sử nghiện ma tuý. Anh đã từng ăn “cơm đen” (thuốc phiện) và “cơm trắng” (heroin) với thời gian kéo dài 15 năm. Thế mà anh đã dứt bỏ nó tính đến thời điểm hiện tại là 20 năm. Và 17 năm liên tục, anh gắn bó với cửa hàng rửa xe máy này. Cơ sở của anh là một trong những địa điểm mà dự án VE B07 lựa chọn thực hiện với mục đích hỗ trợ, trang bị thiết bị cho những người sau cai nghiện ma tuý có công ăn, việc làm.
Anh Quý đang làm công việc thường ngày. |
Được biết, dự án VE B07 tuyển mộ những người nghiện ma tuý sau cai làm đồng đẳng viên tại năm tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Sau khi dự án kết thúc, đã hỗ trợ anh em có máy móc và trang thiết bị cho công việc rửa xe máy để tiếp tục duy trì việc tuyên truyền về tác hại của ma tuý và HIV/AIDS.
“Ngoài công việc phụ trách, quản lý tổ dịch vụ rửa xe để tạo việc làm và thu nhập cho anh em, bọn mình còn tham gia đội an ninh, tự quản của phường và là thành viên câu lạc bộ B93, duy trì sinh hoạt đều đặn một tuần/lần vào tối thứ Năm hàng tuần (B93 là mô hình dự án cho người nghiện ma tuý sau cai, tiền thân được tài trợ từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hợp tác với Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội Việt Nam). Riêng cá nhân mình còn đảm nhiệm thêm Tổ đội trưởng quản lý danh sách những thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự và đăng ký nghĩa vụ quân sự của phường”, anh Quý chia sẻ.
Khi được hỏi mô hình này có gì khác với các mô hình không thành công trước kia? Anh Quy cởi mở cho biết: “Cửa hàng này được UBND phường Trung Trực khuyến khích, động viên và tạo điều kiện về mặt bằng. Ở giữa phố cổ không dễ gì có được một địa điểm rửa xe. Anh em được trao quyền tự hạch toán làm ăn. Trừ chi phí đi còn lại là lương của anh em”. Trả lời câu hỏi của tôi về việc, cửa hàng tạo được việc làm cho bao nhiêu anh em và thu nhập như thế nào, anh Quý cho biết, trung bình mỗi anh em được khoảng hai triệu đồng/ tháng. Cửa hàng này cũng nhỏ, chỉ tạo được việc cho bốn đến năm người”.
“Tôi cho rằng: Một trong những nguyên nhân mô hình này vẫn duy trì được một phần là do người quản lý có trách nhiệm và uy tín với anh em và tạo được sự tin tưởng đối với chính quyền địa phương. Và cả cách quản lý nữa. Ví dụ: Doanh thu trừ đi các chi phí như điện nước, lương nhân công cũng cần phải trích ra một khoản để làm Quỹ dự phòng hay khấu hao tài sản, sửa chữa…Nếu chi phí hết thì rất khó duy trì”, ông Nguyễn Đình Sơn – Chuyên viên Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội nhận xét.
“Có câu, nhàn cư vi bất thiện. Anh em có việc làm sẽ tiêu hao thời gian rảnh rỗi sẽ không bị trống trải. Từ đó làm giảm nguy cơ tái nghiện”, anh Quý chia sẻ thêm. Có việc làm rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Đặc biệt là người nghiện ma tuý sau cai. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề như là một liệu pháp điều trị bệnh nghiện. Nên chăng cần có một nghiên cứu xã hội về những mô hình tạo việc làm, hỗ trợ cho người sau cai. Thậm chí cả những người đã từng có tiền án, tiền sự có thể giảm những hậu quả liên quan đến tội phạm cho xã hội.