Cụ ông nửa cuộc đời làm cầu nối nhịp bờ vui

Thứ Hai, 28/09/2015, 08:15
Vốn là nông dân chân lấm tay bùn ở miền quê Phú Bông, xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam), nhưng cụ ông Nguyễn Tráng đã làm được một điều hết sức phi thường. Gần 40 năm cuộc đời, cụ lặn lội khắp nơi để kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, quyên góp tiền về xây cầu bắc qua sông cho bà con trong vùng thuận tiện đi lại, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Xóm Vạn Buồng, Phú Bông, nơi cụ Tráng đang sống được gọi với cái tên “ốc đảo”, vì nó bị cô lập bởi sông Thu Bồn vây bọc. Bà con nông dân ở đây cuộc sống đã khó lại càng khó hơn, khi việc đi lại cách trở đò giang. Thấu hiểu được điều đó, cụ Tráng bắt đầu nảy sinh ý định làm một cây cầu để xóa thế cô lập của “ốc đảo”. Và thế là cây cầu đầu tiên được ra đời cách đây gần 40 năm về trước. 

Từ những thanh sắt đường ray xe lửa bị bỏ phế sau chiến tranh, cụ Tráng vận động bà con trong thôn thu dọn về, rồi tiến hành lắp cầu. Tuy nhiên, cây cầu sắt này chỉ tồn tại một thời gian thì bị bọn trộm cắp lén lút cưa cắt sắt bán phế liệu và sau đó những bộ phận còn lại của cầu cũng dần bị nước sông cuốn trôi.

Song, không nản chí, cụ Tráng tiếp tục cùng bà con xóm Vạn Buồng làm những cây cầu bằng nhiều nguyên liệu khác nhau. Cầu này hư hỏng thì cầu khác được hình thành, trong đó nổi bật nhất là cây cầu phao làm vào năm 2000 tồn tại đến 6 năm. Nhưng, rồi cầu phao cũng bị nước lũ cuốn trôi...

Cầu Vạn Buồng kiên cố bắc qua sông Thu Bồn, góp phần làm thay đổi cuộc sống bà con Phú Bông.     

Cứ thế, đã có đến 30 cây cầu đã được cụ Tráng cùng bà con xóm nghèo Vạn Buồng và thôn Phú Bông dựng nên. Mỗi khi có một cây cầu hư hỏng, bà con ở “ốc đảo” lại rơi vào cảnh khó khăn, cơ cực. Nông sản thu hoạch không đưa ra được bên ngoài buôn bán nên bị các tiểu thương ép giá. Nhiều ca bệnh, vì cách trở sông nước mà không cứu chữa kịp, phải bỏ mạng một cách đau lòng. Thanh niên trai tráng của làng lần lượt rủ nhau vào miền Nam tìm kế mưu sinh. Trẻ con nghỉ học ngày càng tăng… 

Trăn trở mãi và quyết không làm cầu tạm nữa, cụ Tráng kêu gọi người dân trong thôn cùng góp tiền để làm một cây cầu vững chắc. Năm 2011, cụ khăn gói vào TP Hồ Chí Minh để xin tiền làm cầu cho dân làng. Hơn nửa năm sau, cụ Tráng quyên góp được gần một tỷ đồng, trong đó có gia đình ủng hộ đến 50 triệu đồng... 

Tháng 9/2012, cầu Vạn Buồng làm bằng bê tông kiên cố được khánh thành sau 5 tháng thi công, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Trong đó, chính quyền địa phương hỗ trợ hơn 300 triệu, phần còn lại do cụ Tráng vận động, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm. Cầu dài 84m, rộng 2,3m, với trọng tải 2 tấn, nối liền xóm Vạn Buồng, thôn Phú Bông, với những vùng đất khác trong xã.

Kể từ đó, cuộc sống của bà con nông dân ở “ốc đảo” được thay đổi, kinh tế phát triển đi lên, đói nghèo lùi lại. Mùa màng đến kỳ thu hoạch, tiểu thương đã có thể chạy thẳng xe vào trong xóm để mua hàng vận chuyển ra bên ngoài, bà con không còn bị ép giá nông sản, thu nhập ngày càng khấm khá hơn, ai nấy đều rất đỗi vui mừng. Các bậc phụ huynh cũng không còn phải thấp thỏm lo âu mỗi khi cho con em đến trường…

Nửa đời người, cụ Tráng vận động xây dựng, bắc qua sông Thu Bồn ở xóm Vạn Buồng đến 31 cây cầu. Nhiều cây cầu trong số đó tuy tồn tại không lâu, song đã cho thấy tinh thần của người dân nơi đây trong việc vươn lên thoát khỏi sự đói nghèo. 

Cảm động trước tấm lòng của cụ Tráng, nhiều người dân trong vùng thường xuyên ghé thăm và giúp cụ trong công việc bếp núc và dọn dẹp. Cụ nay tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nữa; nhưng mỗi ngày trôi qua, căn nhà nhỏ của cụ lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười rộn rã, những tiếng cười mang dáng vẻ thiêng liêng của tình nghĩa xóm giềng. Qua đó càng thấy tấm lòng của cụ Tráng thật cao quý, rất đáng được trân trọng…

Hà Ngọc
.
.
.