Cụ ông 90 tuổi hằng ngày trèo hái dừa thoăn thoắt

Chủ Nhật, 31/05/2015, 09:09
Sinh năm 1925, nay đã ở tuổi 90 nhưng cụ Lê Bá Hoạt, ngụ tại thôn 1, xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) không chịu nghỉ ngơi tuổi già mà hằng ngày vẫn thoăn thoắt trèo cây hái dừa đem bán, khiến ai chứng kiến cũng phải kinh ngạc.

Nghe tiếng cụ Hoạt đã lâu nhưng mãi tới cuối tháng 5/2015 này chúng tôi mới có dịp được diện kiến. Ở tuổi 90, công việc trèo cây hái dừa lại càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết nhưng đó lại là nghề mà cụ Hoạt lựa chọn hơn chục năm qua.

Cụ Lê Bá Hoạt.

Nhìn cụ thoăn thoắt leo lên cây dừa cao tới 15m để hái quả khiến chúng tôi hồi hộp, nín thở đến thót tim... nhưng cụ Hoạt lại cười xuề xòa: “Tôi còn khỏe lắm, thấy trèo dừa cũng bình thường thôi mà!...”. Công việc trèo dừa của cụ Lê Bá Hoạt bắt đầu từ cách đây 13 năm, khi ấy cụ Hoạt đã ở tuổi 77.

Ngày đó, thương lái tới địa phương thu mua dừa vận chuyển lên Đà Lạt tiêu thụ nhưng những cây dừa cao thì không ai dám trèo. “Một lần có anh tới mua quả dừa nhà hàng xóm, cây cao tới gần 20m, có rất nhiều quả nhưng anh ta không dám trèo, thuê những người trẻ tuổi nổi tiếng là trèo khỏe họ cũng không dám. Nhiều năm trước đó, cây dừa này đã không ai trèo nổi, chỉ chờ cho mưa gió quả già rơi xuống thì nhặt. Thấy mọi người cứ đứng dưới gốc ngóng lên ngọn dừa đến mỏi cả cổ, người bán muốn bán, người mua rất muốn mua nhưng không ai dám trèo nên tôi ngỏ ý trèo với giá 30.000 đồng”- cụ Hoạt nhớ lại.

Dù đã ở tuổi 90 nhưng cụ Hoạt vẫn hằng ngày trèo hái dừa đem bán.

Nghe cụ nói ai cũng cười vang nghĩ rằng cụ Hoạt nói tếu cho vui vì khi ấy cụ đã ở tuổi 77. Mọi người đang cười rôm rả thì cụ Hoạt đã bám lấy thân cây dừa thoăn thoắt trèo lên trước những gương mặt ngơ ngác, tròn xoe mắt, có người gọi với lên, khuyên cụ nên tụt xuống. Khoảng 4 phút sau buồng dừa đầu tiên đã rơi xuống. Mất 15 phút, 7 buồng dừa khoảng 100 trái đã nằm lăn lóc dưới mặt đất. Cụ Hoạt tụt xuống, hoàn tất công việc trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến.

Hôm đó, thương lái thưởng thêm cho cụ Hoạt 30.000 đồng nữa. Ngay sau lần ấy, cụ Hoạt được người mua dừa này “hợp đồng độc quyền” chuyên trèo dừa cho họ với giá thỏa thuận mỗi ngày trả 50.000 đồng đã bao ăn ngày hai bữa. Đó là số tiền để nuôi đủ cả nhà cụ Hoạt vào thời điểm đó.

Sau 4 năm đi trèo dừa thuê, cụ Lê Bá Hoạt quyết định ra làm riêng. Hằng ngày, trừ thời điểm mưa gió, ốm đau, cụ Hoạt với chiếc Cub rách bươm của mình lại rong ruổi tới những thôn trong và ngoài huyện mua và trèo dừa đem về nhập lại cho các đại lý hoặc những quán nước giải khát. Hiện mỗi trái dừa còn trên cây cụ Hoạt mua của chủ giá 2.000 đồng, hái xuống bán 6.000 - 8.000 đồng. Chứng kiến cảnh cụ Hoạt thoăn thoắt leo cây như một con sóc, hái từng buồng dừa quăng xuống đất ở độ cao hàng chục mét khiến người nhìn phải thót tim. Thế nhưng, với cụ Hoạt, dừa cao hay thấp thường thì cụ không quan tâm vì chiều cao không hề ảnh hưởng đến công việc trèo cây hái dừa hằng ngày của cụ.

Theo cụ Hoạt, trèo dừa là một công việc cực kỳ nguy hiểm, nếu chỉ sơ suất nhỏ buộc phải trả giá bằng cả tính mạng. Bí quyết để ông cụ ở tuổi 90 mà vẫn trèo hái được những buồng dừa nặng vài chục kg ở độ cao hàng chục mét là sức khỏe dẻo dai. Tiếp đó là mọi hoạt động phải cực kỳ thận trọng, chính xác đến từng chi tiết. Điều tối kỵ nhất là chủ quan, mất tập trung khi đang ở trên cây. Số tiền cụ Hoạt kiếm được hằng ngày trừ tiền ăn uống, cụ làm “quỹ” để trao dần cho những đứa cháu ngoan, học giỏi hay giúp đỡ gia đình các con trong lúc gặp khó khăn. Đến nay, cụ Hoạt còn gửi tiết kiệm ngân hàng trên 100 triệu đồng từ công việc trèo dừa.

Cụ Hoạt cho biết, nhiều năm qua, các con cụ thường khuyên cụ ngừng công việc nguy hiểm này nhưng hiện tại cụ chưa muốn dừng vì biết sức khỏe của mình vẫn còn rất tốt. Bí quyết giúp sức khỏe dẻo dai dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm thấy” là không uống rượu bia, không hút thuốc hoặc không dùng các chất kích thích khác. Cụ Hoạt tiết lộ, hết năm nay cụ sẽ “nghỉ hưu” dù tới khi đó sức khỏe của cụ có còn cho phép với nghề nguy hiểm này nữa hay không. 

Kim Ngân
.
.
.