Mùa nước nổi miền Tây: Con nước lên nhanh… con cá chưa về

Thứ Tư, 08/08/2018, 14:28
Hiện, mực nước tại các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm trước. Nhiều cánh đồng ngoài đê bao tại các huyện An Phú (tỉnh An Giang), huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nước cao ngang ngực người lớn. 

Do con nước về nhanh nên phần lớn diện tích hoa màu, lúa ngoài đê bị thiệt hại. Theo bà con vùng đầu nguồn, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là mặc dù con nước về khá nhanh nhưng đến nay nguồn lợi thủy sản, sản vật mà mùa nước nổi mang lại là chưa đáng kể, dự báo một mùa mà “nghề con cá” thất thu…

Nhiều hộ dân sống vùng “rốn lũ” xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết, nước lũ năm nay về sớm hơn mọi năm khoảng một tháng. Chính vì sự bất thường này, nhiều ngư dân sống nghề câu lưới trở tay không kịp vì chưa sẵn sàng đón lũ. Hiện nay, bà con đang tất bật chuẩn bị ngư cụ đánh bắt tôm, cá... 

Mực nước năm nay về nhanh và đạt mức cao, khiến bà con vùng đầu nguồn trở tay không kịp...
Anh Nguyễn Văn Rô (xã Phú Hội, huyện An Phú) kiểm tra lại số lọp tôm để chuẩn bị ra đồng. Tuy nhiên, theo anh Rô hiện lượng tôm, cá ngoài đồng chưa có bao nhiêu.
Cùng lo lắng trên, ông Huỳnh Văn Nước (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) chia sẻ với PV Báo CAND, năm nay gia đình ông chuẩn bị gần 5.000 mét lưới cá trạch, cá linh để mưu sinh theo con nước về. Thế nhưng, ông Nước dự báo, năm nay những bà con làm "nghề con cá" như ông có thể sẽ bị thất thu...
Nước đã ngấp nghé mé bờ, nhưng chiếc ghe mưu sinh của bà con vẫn còn trơ trên bến... đợi con cá về.
Một số hộ khác phải đành đánh bắt cá đồng nội, có hôm "lỗ vốn" vì lượng cá, tôm khan hiếm.
Các sản vật mùa nước nổi khác như bông súng, điền điển... được xem là nguồn thu nhập chính của người dân vùng nước nổi.
Mỗi lọn bông súng đồng gồm 3 cộng lớn, 1 cộng nhỏ được thương lái thu mua với giá 2 ngàn đồng. Ra đồng từ sáng sớm đến trưa, nếu ai nhổ giỏi thì thu nhập khoảng từ 70 - 100 ngàn đồng/buổi.
Rắn bông súng, rắn nước năm nay cũng ít đi. Hiện, thương lái thu mua với giá từ 180 -200 ngàn đồng/ký. 
Khác hẳn với cảnh tấp nập mua bán tại các chợ cá đầu nguồn vào những năm trước, năm nay chỉ xuất hiện vài chiếc ghe của thương lái vì không có "hàng" để thu mua.
Bà Lương Thị Cảnh, thương lái thu mua cá tại đồng Phú Hội cho biết: "Mọi năm, mỗi ngày tôi mua cả tấn cá các loại. Nay chỉ mua được hơn 100 ký. Cá ít bà con nơi đây khổ lắm, mà không biết chuyển sang cái kế sinh nhai nào khác. Nên đành ôm chiếc xuồng, cần cầu, tấm lưới mà sống qua ngày. Qua mùa nước, ai thuê gì lại làm nấy, chứ đâu còn sức mà đi xa lao động".
Mặc dù nguồn lợi thủy sản ít, thế nhưng người dân vùng nước nổi vẫn lạc quan tin rằng vài hôm nữa con cá sẽ về với bà con.

Chưa đến thời điểm khai thác cá linh

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, theo quy định, mùa vụ được phép khai thác cá linh phải sau ngày 31-8; cá chiều dài tối thiểu cho phép khai thác phải đạt từ 5cm trở lên. 

Đối với việc tổ chức đặt đáy khai thác cá linh tại các tuyến sông, kênh từ cấp I trở lên vào mùa lũ, phải thực hiện đúng các quy định (về mùa vụ khai thác, kích thước cá linh cho phép khai thác, kích thước mắt lưới tối thiểu tại phần tập trung cá của lưới đáy) và phải được sự đồng ý của Sở Giao thông - Vận tải hoặc Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam.




Trần Lĩnh - Trung Phạm (Clip)
.
.
.