Vụ học sinh trường Nam Trung Yên gãy chân: Thông tin gây sốc từ cô chủ nhiệm

Thứ Bảy, 18/02/2017, 17:12
Cô giáo chủ nhiệm lớp 2A2, trường Tiểu học Nam Trung Yên, lớp của cháu Trần Chí Kiên cho biết một số nội dung trong báo cáo của cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc là không đúng sự thật.


Liên quan đến vụ học sinh bị gãy chân tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, chia sẻ với phóng viên, cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2, lớp của cháu Trần Chí Kiên, học sinh bị tai nạn gãy xương đùi tại sân trường ngày 1-12-2016 cho biết: "Nội dung trong báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên về việc phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm đề xuất làm phiếu khảo sát lấy ý kiến  là hoàn toàn sai sự thật, tôi dám lấy danh dự của mình ra để khẳng định rằng tôi không hề tư vấn việc lấy phiếu khảo sát".

Ngoài ra, cô Nhung cho rằng, việc báo cáo nói rằng 100% giáo viên đã ký vào phiếu khảo sát là không đúng, vì buổi lấy phiếu khảo sát đó bản thân cô Nhung và một số giáo viên khác trong trường không có mặt và không tham gia khảo sát.

Cũng theo cô Nhung, thông thường khi học sinh gặp phải vấn đề gì, như ốm đau, tai nạn…, thường là nhà trường phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, khi cháu Kiên bị tai nạn phải vào viện cấp cứu, cô Nhung đang ở phòng hội đồng, nhưng không ai chứng kiến sự việc thông báo cho cô biết…

Trong một diễn biến khác, Phó Chủ tịch Công đoàn của trường Tiểu học Nam Trung Yên, bà Hoàng Thị Hải Yến cũng đã viết tâm thư gửi lên Phòng giáo dục quận Cầu Giấy đề đạt nguyện vọng vẫn giữ nguyên cương vị Hiệu trưởng đối với cô Tạ Thị Bích Ngọc cho tới khi có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Điều này cho thấy, vụ việc đang diễn tiến với chiều hướng ngày càng phức tạp.

Chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: Điều đáng mừng là cuối cùng các giáo viên của trường, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm, thay vì bao che cho lãnh đạo, đã dũng cảm lên tiếng để nói lên sự thực.

Đối với cô Hiệu trưởng, cần phải kiểm điểm, nhận trách nhiệm bởi là người gây ra hậu quả  mà không dám đối mặt, còn quanh co chối tội. Đặc biệt, việc đem học sinh ra khảo sát để chối bỏ trách nhiệm, với một người quản lý như vậy cũng cần xem xét lại cả tư cách hiệu trưởng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc này để tránh nhiễu loạn thông tin, làm yên dư luận. Khi có kết luận rồi thì việc xử lý cũng cần phải minh bạch, thỏa đáng để làm gương không chỉ trong ngành giáo dục mà các ngành, các cấp khác.

HuyềnThanh
.
.
.