Chuyện cảm động về gia đình hiến tặng Vọoc chà vá chân đen

Thứ Tư, 14/03/2018, 15:50
Động vật rừng quý hiếm có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài, động vật rừng nguy cấp do Chính phủ quy định. 


Thời gian qua, nhiều người dân tại Bình Phước tự nguyện hiến tặng các loài động vật quý hiếm đã góp phần không nhỏ công tác bảo tồn, phát triển động vật quý hiếm. Trong đó, có gia đình anh Lại Văn Nhường (ngụ xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp).

Mới đây ngày 13-3, gia đình anh Nhường đã hiến tặng một cá thể Voọc chà vá chân đen cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển động vật thuộc Ban quản lý rừng quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam. “Tôi kinh doanh quán nước nhỏ. Cách đây hơn mười năm, gia đình anh mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai. Thời điểm đó, tôi thấy nhóm đối tượng bẫy được cá thể Voọc con. Con Voọc này khá nhỏ, chỉ khoảng 2 tuần tuổi, nặng chừng 200 gram. Tôi nghĩ rằng, nếu thả về rừng nó sẽ khó sống được. Thương quá, tôi đề nghị mua của họ với giá 500.000đ. Sau đó, tôi đã đưa về nhà chăm sóc”, anh Nhường sẻ chia.

Hình ảnh cảm động của vợ anh Nhường chăm sóc Voọc chà vá chân đen.

Đến nay, chú Voọc đã lớn, có trọng lượng khoảng 7- 8kg/con và thân quen với mọi người trong gia đình Nhường. Thích thú chú Voọc, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Bình Phước đã đề nghị anh Nhường mua lại với giá 50 triệu đồng làm thú cưng. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn (ngoài quán nước nhỏ, 2 vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, nuôi 3 người con ăn học) nhưng anh nhất quyết không bán.

Anh Nhượng, bày tỏ: “Voọc là động vật hoang dã quý hiếm nên gia đình luôn mong muốn gửi trả chúng trở về với rừng. Do vậy, nghe tin trung tâm cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý vườn quốc gia Bù Gia Mập chuyên nhận các vật nuôi hoang dã để huấn luyện bản năng sinh tồn, sau đó thả về rừng nên gia đình mình đã chủ động liên hệ để được hiến tặng mà không bán cho người khác. Chúng tôi thành tâm hiến tặng. Chỉ hơi phân vân vì chúng hiện khỏe mạnh và rất thân thiết với người nên không biết khi trả về rừng thì liệu có sinh tồn được hay không…”

Nói về vụ việc trên, ông Trần Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý vườn quốc gia Bù Gia Mập, cho biết: “Trung tâm sẽ có hướng chăm sóc, bảo vệ chú Voọc này cho đến khi có thể sinh tồn trong điều kiện tự nhiên. Trung tâm mới trả chúng về rừng. Cá thể Voọc chà vá chân đen này thuộc loài động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB cần được bảo vệ. Hiện tại, cả nước chỉ còn khoảng 200 đàn. Trung bình, mỗi đàn có 30 cá thể Voọc chà vá chân đen tồn tại. Trong năm 2017, trung tâm cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật tỉnh tiếp nhận hơn 28 trường hợp động vật hoang dã do người dân và cơ quan chức năng bàn giao. Trong đó, có 2 cá thể linh trưởng quý hiếm, còn lại là các loại thông thường như hươu, nai, lợn, cheo ….”.

Hiện nay, Bình Phước cũng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ, phát triển các loài động vật quý hiếm tại các vườn quốc gia, các khu bảo tồn nhằm tạo ra một khu sinh quyển phong phú, đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên việc bảo tồn phát triển động vật quý hiếm là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với các cấp, các ngành mà đối với mỗi công dân.

Đ.Trung-C.B
.
.
.