Chưa có bằng chứng về việc người dân Vĩnh Châu bị mù do hành tím

Chủ Nhật, 17/05/2015, 11:07
Thời gian gần đây, trong khi cả nước chung tay hỗ trợ nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tiêu thụ hành tím tồn đọng với số lượng lớn, lại có một số phương tiện thông tin phản ánh nhiều người dân ở Vĩnh Châu bị mù do hành tím, hoặc do chất bảo quản hành (!?). Một số thông tin chưa chính xác, gây hoang mang cho những người đang muốn “chung tay” giúp người trồng hành Sóc Trăng. Có đúng là tỷ lệ người mù ở Vĩnh Châu cao “ngất ngưởng” hay nhiều người bị mù lòa do hành tím và chất độc hại như một số phương tiện thông tin đại chúng đã nêu?

Vĩnh Châu là “thủ phủ” hành tím lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm nơi đây trồng từ 6.000-7.000 ha hành tím, cho sản lượng từ 120.000 - 130.000 tấn. 

Không thể phủ nhận, Vĩnh Châu là địa phương có số lượng người mù cao với gần 600 người, chiếm gần 1/3 số lượng người mù cả tỉnh. Số liệu của Sở Y tế Sóc Trăng năm 2013 cho thấy, gần 65% người mù ở Vĩnh Châu là do đục thủy tinh thể ở người già; trên 8% đục thủy tinh thể do các nguyên nhân khác; 27% bệnh nhân còn lại là do sẹo giác mạc, loét giác mạc, mù do bệnh nổ mắt, quặm mi, teo nhãn cầu, bị võng mạc dịch kính... Nhiều người khi mới bị bệnh không điều trị kịp thời, lâu ngày không chữa trị hoặc tự ý trị bằng lá cây đắp lên mắt, trị không đúng dẫn đến mù nặng thêm. 

Cũng theo Sở Y tế Sóc Trăng, có đến 98,7% người dân bị mù thường xuyên sử dụng nguồn nước chưa được xử lý trong sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ Trần Thanh Phong - Trưởng trạm Y tế xã Lạc Hòa, cho biết: “Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của vấn đề vệ sinh môi trường. Người dân lao động làm việc chưa có ý thức tốt về công tác phòng bệnh của mình nên khi bụi bay vào mắt không vệ sinh đúng cách, gây viêm nhiễm không chữa trị kịp thời dẫn tới ảnh hưởng thị giác”. 

Còn ông Phan Tấn Phát, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng khẳng định: Không có mối liên hệ nào cho thấy người bị mù ở Vĩnh Châu cao là do hành tím và do người dân dùng thuốc bảo quản hành.

Hành tím là đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Châu.

Những năm 2005-2006, có thông tin về “xóm mù Đại Bái”, “làng mù” Vĩnh Châu… Sở Y tế Sóc Trăng đã có khảo sát và có công văn gửi về Bộ Y tế khẳng định: Không thấy có sự liên quan nào giữa người trồng hành, lưu trữ hành và các bệnh về mắt hay tình trạng mù lòa trên quy mô toàn huyện Vĩnh Châu. Chủ yếu các bệnh về mắt do các nguyên nhân khác như: mù lòa do lớn tuổi, do chấn thương, bụi cát, viêm kết mạc, giác mạc không được xử lý đúng cách, điều trị kịp thời dẫn đến mù lòa.

Những ngày gần đây, thông tin lại đưa về vấn đề người mù, nhưng chủ yếu là số liệu cũ và nói lại chuyện cũ. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, thị xã đã chỉ đạo cho ngành Y tế tiến hành rà soát lại số người mù, khảo sát nguyên nhân dẫn đến tình trạng mù lòa trên toàn địa bàn thị xã và sẽ sớm có kết luận chính thức trong thời gian tới.

Trên thực tế, nhiều người mù ở Vĩnh Châu khẳng định, không phải mù do hành. Bà Lương Thị An (70 tuổi, ngụ ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu), cho biết: “Cái mắt nó tự nhiên bị vậy thôi. Nhà tôi không làm hành, mắt mờ dần rồi không thấy đường luôn”. Còn bà Ong Thị Chư (cùng ở xã Lạc Hòa), dù làm nghề nhặt hành đã nhiều năm nhưng theo bà do bị bệnh rồi giảm thị lực chứ không phải do làm hành mà mù. 

Trước thông tin bà con sử dụng chất bảo quản hành làm tăng tỷ lệ mù mắt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu thụ hành tím, ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, khẳng định: Cả chục năm nay, người dân không còn dùng chất bảo quản để tồn trữ hành, chỉ có hành giống là phải tồn trữ lâu cho vụ sau, bà con dùng bột đất sét và thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép để bảo quản. Còn hành thương phẩm tuyệt đối không sử dụng. Cũng theo ông Vân, Vĩnh Châu là vùng nuôi tôm. Con tôm rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu hay chất độc hại nên bà con cũng hạn chế dùng thuốc trừ sâu sợ ảnh hưởng đến vụ tôm… 

Đức Văn – T.H.
.
.
.