Chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô

Chủ Nhật, 11/03/2018, 10:08
Trước tình hình nắng nóng làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, ngành chức năng các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp để phòng ngừa đến mức tối đa, không để xảy ra cháy rừng.

Song song đó là đẩy mạnh, rà soát, bổ sung các biện pháp phòng chống cháy rừng phù hợp và hiệu quả trên tinh thần “đảm bảo phát hiện kịp thời, dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng”.

Để thực hiện tốt công tác này, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với Công an, Quân đội, chính quyền địa phương và chủ rừng, đồng thời nâng cao ý thức người dân trong việc phòng ngừa cháy rừng…

Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra phòng chống cháy rừng.

Tại tỉnh An Giang, ngành nông nghiệp cho biết chỉ riêng huyện Tri Tôn có hơn 5.538ha rừng cần được bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Trong số này, vùng trọng điểm cháy rừng được xác định là hơn 4.273ha (rừng tự nhiên đồi núi 2.550ha và rừng trồng đồng bằng hơn 1.800ha).

Tiếp đó là huyện Tịnh Biên,  vùng trọng điểm có nguy cơ cháy lên đến hơn 6.273ha, (rừng đồi núi hơn 5.400ha và rừng đồng bằng là hơn 865ha). Khó khăn lớn nhất của 2 địa phương này trong thời gian qua là diễn biến nắng hạn, bão, lũ đã làm nhiều diện tích rừng và thảm thực vật rừng bị chết, bị gãy đổ. Rừng trên địa bàn 2 huyện này đa phần là rừng khộp nên vào thời điểm cận Tết 2018 cũng là thời điểm thay lá, tạo lớp vật liệu cháy dưới chân rừng ngày càng nhiều.

Thời điểm sau Tết lại bắt đầu vào mùa du lịch sinh thái, khách hành hương dã ngoại ngày tăng, khả năng cháy rừng và cháy trên diện rộng là rất cao, do vậy càng hết sức cảnh giác, đề phòng.

Nhìn từ góc độ khác, do rừng nằm ở địa hình phức tạp, độ dốc lớn, diện tích giao khoán trồng rừng nhỏ lẻ, hộ định cư tại rừng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn (chỉ khoảng 20% số hộ là định cư tại rừng, họ chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp buôn bán, làm rẫy để tạo thêm thu nhập), sự hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất còn hạn chế nên một số hộ được nhận giao khoán chưa thật sự quan tâm gắn bó với rừng, thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, chính các đặc thù như kể trên nên lực lượng Kiểm lâm thường xuyên nhắc nhở ý thức giữ rừng của các hộ nhận khoán trồng rừng, đồng thời phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội tăng cường tuần tra thực địa để kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt cây phá rừng.

Tại Hậu Giang, hiện mực nước ở các tuyến kênh, rạch của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang bắt đầu xuống thấp sẽ làm cho các cánh rừng bị khô rất dễ phát sinh các đám cháy rừng.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Khu bảo tồn đã xây dựng xong các phương án phối hợp tuần tra canh gác, phòng chống cháy rừng. Chú trọng sửa chữa, mua sắm trang thiết bị đảm bảo phục vụ hiệu quả nhất cho công tác chữa cháy rừng nếu có xảy ra.

Hiện tại, Khu bảo tồn đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, UBND các xã giáp ranh tổ chức các buổi tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ rừng; tập huấn phương án chữa cháy cho thành viên ở 16 Tổ tự quản ở các xã Phương Bình, Hiệp Hưng, Phương Phú...

Được biết, Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có tổng diện tích khoảng 2.800ha, trong đó có hơn 1.400ha đất rừng. Trong thời gian qua, nhờ sự chủ động, phối hợp chặt chẽ về công tác tuyên truyền, tuần tra canh gác, phòng cháy... giữa đơn vị quản lý với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, ý thức người dân địa phương nên liên tiếp 7 mùa khô qua, tại đây không xảy ra một vụ cháy rừng nào.

Tại Kiên Giang, ông Trương Thanh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2018.

Theo phương án vừa được phê duyệt thì Kiên Giang có 7 vùng trọng điểm cháy rừng là Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc, rừng phòng hộ Phú Quốc, rừng phòng hộ Hòn Đất - Kiên Hà, rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh và rừng thuộc dự án Lâm trường 422. Tổng kinh phí thực hiện cho công tác này là hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Theo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương làm công tác phòng chống cháy rừng tại ĐBSCL, việc thực thi pháp luật lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản hiện còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong xử lý vi phạm. Đa số các đối tượng vi phạm là dân nghèo, đời sống khó khăn, nên việc chấp hành quyết định xử phạt chưa triệt để, làm giảm hiệu lực pháp luật, chưa có biện pháp hữu hiệu để răn đe các đối tượng vi phạm.

 Trách nhiệm và ý thức bảo vệ rừng, bảo quản tài sản rừng của chủ rừng còn lơi lỏng, buông trôi, phó mặc cho cơ quan chức năng trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, không thể kiểm soát bao quát.

Chính sách hưởng lợi từ rừng cho các hộ trồng rừng, các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng tuy có nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững, chưa có chế độ ưu đãi thiết thực cho người dân để họ tha thiết bám và bảo vệ rừng...

Trần Lĩnh
.
.
.