Chợ quê giữa lòng thành phố Cảng
Mỗi tuần, chợ Hàng chỉ họp một phiên vào sáng chủ nhật. Đây là chợ phiên truyền thống duy nhất còn lại của Hải Phòng. Phiên chợ Hàng như một nốt nhạc đồng quê giữa bản nhạc xô bồ của phố thị. Không chỉ được người địa phương yêu mến, chợ Hàng còn hấp dẫn khách du lịch mỗi khi đến với Hải Phòng. Vì sao chợ Hàng cuốn hút đến vậy? Trước hết, nơi đây là một thế giới đồng quê thôn dã giữa lòng một thành phố công nghiệp hiện đại với nhịp sống tất bật. Những người sống ở thành phố cứ đến chợ Hàng là có thể mua được đàn gà con, cây rau giống, rổ rá đan bằng tre, chiếc kiềng sắt ba chân…
Chợ Hàng là “thiên đường” đối với những người yêu thiên nhiên, vật nuôi, hoa lá... Mỗi sáng chủ nhật, khắp các con đường xung quanh chợ: Hoàng Minh Thảo, Chợ Hàng, đường Máng Nước… rực rỡ hoa thơm cỏ lạ, tràn ngập cây giống, cây cảnh…
Từ những giống thông thường, quen thuộc ở đất Bắc đến những loài chuyển từ phương Nam ra hay nhập từ nước ngoài về; từ những cây thế có giá cả tỷ đồng đến những chậu hoa nhỏ xinh chỉ vài chục nghìn đồng hay cây giống chỉ vài nghìn đồng một mớ. Mặt hàng rau giống cũng vô cùng phong phú. Hạt giống, cây giống, hành tỏi, bắp cải, su hào, muống, dền, ngót, mùng tơi… loài nào cũng có. Giá cả cũng rẻ như ở bất cứ chợ quê nào.
Một số hình ảnh về chợ Hàng. |
Nhiều người bán hàng đến từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên… thường phải chở hàng đến chợ từ ngày thứ 7. Bác Nguyễn Thị Hà (ở huyện Nam Trực, Nam Định) bán hoa, cây cảnh trên đường Máng Nước cho biết, vợ chồng bác bày hàng từ sáng thứ 7, căng bạt ngủ đêm ngay tại “gian hàng ngoài trời” này rồi sáng hôm sau mở hàng từ tờ mờ sáng. Hầu hết những người bán hàng ở tỉnh xa đều phải ngủ tại chợ mới kịp sáng sớm bán hàng.
Nếu những con đường đầy hoa quanh chợ khiến người ta ngắm không chán mắt thì khu vực bán con giống bên trong chợ Hàng cũng làm khách đi chợ vui thích không kém. Nào lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo, chim trời cá nước, nào thỏ, chuột hamster, rùa núi, dế mèn… Đủ giống loài, xuất xứ, đủ kích cỡ, màu sắc. Những chú gà con lông vàng ươm, nhỏ bằng nắm tay, những con ngỗng vươn cổ cao hơn cả một em bé, những con vẹt mới một tháng tuổi, lông xanh biếc… Hết góc này đến góc khác, góc nào cũng vui, cũng chộn rộn tiếng cười của những người chơi thú cảnh.
Chị Hải Minh (ở TP Hồ Chí Minh, khách chơi chợ) vừa xòe tay cho chú vẹt cưng đậu vừa chăm chú xem một tổ chim chòe than mà người bán rao giá 200.000đ/tổ 4 con mới ra ràng. Chị không giấu nổi niềm thích thú: Mình mới ra Hải Phòng chơi, theo kế hoạch chỉ ghé chợ Hàng thăm thú một lát không ngờ “phải lòng” ngôi chợ này nên la cà từ sáng sớm vẫn chưa muốn về!
Chợ Hàng còn có một khu vực khác gieo yêu mến, nhớ thương cho những người nặng lòng với thôn quê, với văn hóa dân gian: đó là khu bán các vật dụng hết sức gần gũi, cần thiết trong cuộc sống thường ngày, nhất là cuộc sống của người lao động nông thôn. Những chiếc bu gà, rổ rá, nong, nia, giần, sàng… làm bằng tre, giá cao nhất cũng chỉ vài chục nghìn đồng, mà dùng lại rất bền.
Nhìn những đồ đan lát này, người ta có thể thấy lại những lũy tre làng bình yên, người thợ nông dân vừa khéo léo vừa cần cù trong lao động… Ở đây còn có những đồ làm bằng sắt khó mà tìm thấy ở bên ngoài: chiếc kiềng dài để đun bếp củi, quang gánh bếp than, chiếc cuốc nhỏ xíu dùng xới đất trong chậu cảnh…
Bác thợ rèn Phan Thanh Ngọc ngồi bán hàng gần cổng chợ cho biết, bác đã bán hàng ở chợ Hàng trên 40 năm nay. Đồ do bác tự rèn tại nhà bên xã Bát Trang, huyện An Lão, bác thuê một gian kho ở gần chợ để chứa đồ. Cứ chủ nhật hằng tuần, bác lại chạy xe từ quê ra chợ Hàng để bán và nhận đặt hàng của khách. Đồ rèn do bác Ngọc làm đẹp giản dị mà sắc nét, có uy tín lâu năm nên rất đông khách quen. Đứng giữa “rừng” những con giống nhỏ và vật dụng của nhà nông ấy, nhiều du khách như lạc vào một phiên chợ vùng quê.
Những năm gần đây, chợ Hàng có thêm sức hút khi trở thành nơi mua bán đồ cũ. Đủ các loại, từ đồ điện tử như điện thoại, nồi cơm điện, loa đài, quạt điện… đến máy khoan, tuốc-nơ-vít, các loại ốc, điều khiển tivi, bấm móng tay, yên xe đạp, ống nước cũ, vỏ chai rượu ngoại… Nhiều người hồ hởi khi tìm được đồ vật có thể thay thế đồ hỏng của gia đình, với giá cực kỳ rẻ, trong khi hầu như chẳng thể tìm được ở nơi nào bán những thứ tương tự. Ở đây cũng hình thành một nghề độc đáo: nghề mua bán đồ cũ. Không giới hạn chủng loại, đồ gì cũng được, miễn là cũ.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, chợ Hàng là chợ của làng Dư Hàng xưa. Đến nay, hầu như không tìm được tài liệu nào nói đến thời gian mở chợ. Chỉ biết rằng, làng Dư Hàng là một làng cổ, có từ thời Tiền Lê. Trong lịch sử, đây là một làng giàu có nổi tiếng của Hải Phòng, quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương khác. Vì thế, xưa kia chợ Hàng là chợ đông nhất, nhiều mặt hàng nhất, với không gian rộng rãi nhất ở Hải Phòng.
Khu vực làng Dư Hàng trước đây là vùng đất nông nghiệp nên chợ Hàng trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán cây, con giống và đồ dùng nhà nông. Quá trình đô thị hóa lan ra các vùng ven đã “nuốt” trọn chợ Hàng vào nội đô nhưng tập quán trao đổi những hàng hóa nông nghiệp vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Từ tờ mờ sáng mỗi ngày chủ nhật, dòng người và xe từ khắp các ngả đường đã đổ về khu vực chợ Hàng.Với người Hải Phòng, đi chợ Hàng trước hết là để chơi, sau mới là mua sắm. Ai cũng coi việc đi chợ Hàng như một thú vui cuối tuần, ngày chợ phiên cũng là một ngày hội. Đó là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người Hải Phòng, góp phần tạo nên nhịp sống của thành phố này.
Cứ mỗi chủ nhật, người ta hẹn nhau đi chợ Hàng, để mua sắm, tham quan hay đơn giản là để ngắm nhìn cuộc sống, tận hưởng một không gian rất khác của thành phố Cảng. Dù chợ phiên nào cũng rất đông nhưng hầu như không thấy tiếng cãi vã. Người bán, người mua đều thoải mái, vui vẻ. Nhìn ai cũng thảnh thơi.