Cháu hận ba má và không bao giờ muốn trở về nhà

Chủ Nhật, 08/11/2015, 15:48
Giờ má phát tướng, người xổ ra to béo xồ xề, cánh lái xe đường dài, khách thương hồ ghé quán cà phê tươi mát của ba má chuyển sang hau háu hướng ánh mắt vào chị Hai, chị Ba lúc này đã bước sang tuổi thiếu nữ...

Kính thưa các cô chú trong Tòa soạn Báo An ninh Thế giới Giữa tháng -  Cuối tháng.

Khi cháu viết những dòng chữ này cháu đang ở một nơi rất xa. Cháu không ở Việt Nam. Cháu đã rời bỏ quê hương bản quán mấy năm nay rồi, cháu đã đi quá xa để có thể quay về. Cuộc đời lưu lạc của cháu là một cuộc đời đẫm nước mắt; cháu chỉ muốn nhắm mắt quên đi những ngày tháng đã sống, quên đi cháu từng được sinh ra, quên đi nơi cháu có mặt trên đời. Cháu không bao giờ muốn nhớ đến thân phận của mình, không bao giờ muốn nhớ đến gia đình hay ba má. 

Trong ký ức của cháu, ba má đã chết, họ không tồn tại. Nhưng cô chú ơi, càng muốn quên đi lại càng nhớ, càng muốn rũ bỏ thì quá khứ càng đeo bám nặng nề. Cháu rất hay khóc, khóc nhiều lắm, cả những năm tháng xa xứ lầm lũi mưu sinh với cơm áo cháu càng buồn, càng hay khóc mỗi khi đêm về, mỗi khi nhớ hai tiếng Việt Nam vang lên đâu đó trên đường phố cháu qua, ở những gương mặt người cháu hằng ngày gặp gỡ chuyện trò.

Thưa các cô các chú. Ở bên này cháu vẫn hay lên mạng internet để đọc tin tức về quê hương, Tổ quốc, và cháu không bao giờ bỏ qua một câu chuyện nào ở trang 31 của quý báo An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng cả. Chỉ vì ở nơi đó cháu gặp được những mảnh đời, những thân phận, những câu chuyện éo le không ai giống ai, và khi chìm đắm vào những lời tâm sự của người trong cuộc, cháu cảm thấy như được động viên an ủi, để cháu không còn mặc cảm với nỗi cô đơn khi có một thân phận không giống ai. 

Câu chuyện mới đây nhất mà cháu được đọc trên trang 31- Những chuyện khó tin nhưng có thật phát hành 10/10/2015 vừa qua nói về tâm sự của người vợ khi bị chồng đưa vào một cuộc sống trụy lạc suy đồi và cô ấy đã nhắm mắt đưa chân để mình rơi ngập vào vũng lầy suy đồi đó. Để rồi đêm đêm, mỗi khi tỉnh cơn mê dại, cô thấy mình rơi vào hố đen của tâm hồn, rơi vào hố đen của cõi sống, một hố đen thăm thẳm của sự suy đồi không thể cứu vãn nổi. Nhưng sự suy đồi của cuộc sống mà cô ấy đang sống dù là kinh khủng thì cũng không thể kinh khủng bằng những gì đã xảy ra trong quá khứ của đời cháu, trong chính gia đình cháu, trong chính những bậc sinh thành của cháu. Câu chuyện của cháu là một sự thật mà cháu dù đã trốn đi rất xa để chối bỏ nó, để quên đi thì cũng không thể. Nó là bí mật của cuộc đời cháu mà cháu chưa một lần thổ lộ ra cùng ai kể từ khi cháu bỏ nhà ra đi.

Các cô chú ạ. Cháu sinh ra và lớn lên ở miền Tây, mảnh đất được các nghệ sĩ gọi là nơi thơ mộng phóng khoáng với những cánh đồng mênh mông mùa nước nổi, là nơi gạo trắng nước trong. Nhưng có ai sinh ra và lớn lên ở nơi ấy mới thấm thía cái buồn thúi ruột thúi gan của những thân phận người nơi miền tây hoang dã. Cháu sinh ra đã thấy xung quanh nơi mình ở có nhiều người đàn ông tối ngày say khướt nghe ca vọng cổ và nhậu xỉn cả ngày. Nơi cháu lớn lên thấy những người phụ nữ lam lũ khổ hạnh, bươn chải lội đồng lội ruộng, dầm mình trong sông nước gánh gạo nuôi chồng nuôi con, nuôi luôn cả những bữa nhậu từ sáng đến tối của chồng để rồi sau đó hứng những trận chửi đời, chửi người buồn thúi ruột của những người đàn ông nghèo khổ yếm thế, hận đời hận người, hận mình sinh ra nơi mảnh đất nghèo kiệt như vậy. 

Nơi cháu sinh ra có những người phụ nữ không chịu nổi cảnh sông nước nổi nênh, không chịu nổi những cơn nhậu triền miên của chồng, hay những trận chửi vô cớ của chồng, rồi lén bỏ chồng, bỏ con, bỏ lại cái nghèo quanh năm bủa vây đi tìm miền đất hứa. Để rồi có những cảnh buồn tủi của những ông chồng mồ côi vợ với sắp nhỏ lênh đênh sông nước ghe thuyền qua ngày đoạn tháng làm khách thương hồ... Rồi những đứa trẻ ấy vắng bóng mẹ, lay lắt, lăn lóc lớn lên trong triền miên những cuộc nhậu xỉn của ba, và triền miên những trận chửi sau cơn say của ba về nỗi đoạn trường vợ bỏ... 

Không có mấy gia đình khá giả, giàu có hay đủ đầy hạnh phúc nơi cháu sinh ra. Không biết có phải vì ở trong một môi trường hoang dã, nghèo và buồn như vậy nên khi má cháu sinh được ba chị em gái ba má cháu đã như bắt được vàng. Ba cháu cũng triền miên say nhưng trong cơn say không đuổi đánh bọn cháu hay cạnh khóe má. 

Trong cơn nhậu xỉn với bạn bè tối ngày ba lúc nào cũng lè nhè nói tới chuyện má đẻ cho ba được 3 cục vàng ròng. Mai này ba bán cả 3 cục vàng ròng ấy mà tha hồ tiền ăn nhậu sung sướng cả đời. Bạn bè của ba tới nhà nhậu cũng lè nhè xoay đi xoay lại cái câu chuyện ba má đẻ được ba mỏ vàng, cuối đời ăn không hết. Bạn bè ba tới nhậu cũng cự nự sao má giỏi đẻ thế, mà vợ của họ chỉ đẻ rặt con trai. Sau này lớn lên một chút, hiểu chuyện hơn cháu mới lý giải được vì sao ở miền Tây quê cháu, nhà ai sinh được con gái thì làm tiệc ăn mừng mọi người đến chúc mừng hỉ hả. Nhà ai sinh được con trai thì mặt buồn hiu hắt.

Khi cháu lên 10 tuổi, chị Hai cháu 15 tuổi, chị Ba cháu 13 tuổi ba lên huyện vay tiền rồi thuê nhà nước (hay là mua thì cháu không chắc chắn lắm) mấy sào đất miệt vườn trồng cây ăn trái và mở quán cà phê. Mấy chị em cháu nằm võng chơi, nghe ba má ngồi trong nhà bàn chuyện mở quán cà phê tươi mát. Ba nói với má sắp nhỏ lớn hết rồi, má mày mở cà phê mà kinh doanh thì nhiều tiền, sung sướng hơn đi làm ruộng, đi xúc cá ngoài đồng, đi làm thuê làm mướn quanh năm.

Mở quán cà phê, mấy má con mày vừa bán cà phê vừa có tiền, mấy sắp nhỏ được ăn trắng mặc trơn sung sướng, sau này có điều kiện lên thành phố mà tìm chồng giàu. Nghe nói bọn con gái ở quê bây giờ lên thành phố lấy chồng nước ngoài hết. Có các đợt thi tuyển con gái đẹp đi làm vợ đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đổi đời lắm, chứ lấy chồng miền Tây suốt ngày nhậu say khướt khư bà lấy tui thì khổ cho chúng nó cả đời. Má nghe ba bàn vậy đồng ý cho ba mở quán cà phê tươi mát. Đã là cà phê tươi mát thì phải có thứ tươi mát để bán. Quán cà phê của ba má có làm thêm những túp lều thưng bằng phên lá dừa quây lại như những căn chòi nhỏ. Khách tới quán cà phê của ba má là cánh lái xe đường dài, khách thương hồ ghé mua hoa quả buôn về Sài Gòn. 

Đầu tiên chị Hai và chị Ba chỉ phụ giúp má bưng bê cà phê, nước giải khát. Khách đến thường chui tọt vào chòi lá dừa ngồi, chị Hai hoặc chị Ba bưng nước vô rồi có má ngồi trong đó tiếp khách. Khi đó cháu còn nhỏ, chỉ chạy chơi loanh quanh và phụ ba má mấy việc lặt vặt thôi. Cháu nghe hai chị nói với nhau rằng ba biểu má làm gái ôm cho khách rồi hai chị cười khúc khích. Lúc đó cháu chưa hiểu khái niệm gái ôm là gì nhưng thấy má cứ ngồi miết trong chòi uống cà phê, uống bia cười rôm rốp với khách. Ngoài này ba cũng ngửa cổ tu rượu ừng ực, và thu tiền những ông khách vừa ngồi với má trong chòi bước ra hỉ hả ra về.

Má cháu đẹp. Chòm xóm ai cũng bảo má cháu có nhan sắc trời cho. Ba đứa con gái lớn rồi, ngoài 30 tuổi mà má vẫn chín lựng như bông hoa hàm tiếu. Má càng đẹp càng hút khách đến quán cà phê tươi mát của ba má. Ba càng thu được nhiều tiền nhưng ba cũng say nhiều hơn, chẳng mấy khi tỉnh táo mà phân biệt phải trái những chuyện đang làm. Hàng xóm qua nhậu với ba bảo ba sao lại cho vợ tiếp khách trong chòi? Ba cười lớn. Đẹp vầy thì tiếp khách cho khách ham vui chớ có mắc mớ chi mô mà phải lo. Chỉ có cười qua loa với khách dăm ba câu chuyện có chi mà phải nghĩ ngợi, miễn là kiếm được tiền nuôi mấy sắp nhỏ không lấm láp bùn đất là được.

Từ ngày ba má mở cà phê tươi mát thì má cháu càng ăn diện phấn son hơn, càng có nhiều khách qua cà phê, uống bia nhiều hơn. Nhưng do nhậu nhiều với khách nên má cháu phát tướng rất nhanh, chẳng mấy chốc mà người đã xổ ra to béo xồ xề. Cánh lái xe đường dài, khách thương hồ ghé quán giờ hau háu hướng ánh mắt vào chị Hai, chị Ba lúc này đã bước sang tuổi thiếu nữ. 

Một ngày cháu nghe ba má gọi hai chị vô biểu hai chị từ rày thay ba má tiếp khách ghé quán. Ba má bảo, làm cái công việc này, chỉ cười đùa với khách, cho khách trêu ghẹo mấy câu, cùng lắm là ôm ấp hôn hít mấy cái thì không mất mát chi cả lại thu được tiền, ăn trắng mặc trơn không chân lấm tay bùn. Sau này gặp ai khá giả thì ba má gả đi lấy chồng, thậm chí cho hai chị đi thi tuyển làm vợ đàn ông ngoại quốc cho đổi đời. Má hối thúc hai chị đảm đương công việc mới tiếp khách thay má, mọi việc đơn giản như ba nói, không có đi quá giới hạn đâu mà phải lo.

Thưa các cô các chú! Trên đời này, không biết có mấy ba má bắt con gái của mình đi làm gái ôm như ba má cháu không? Chắc hẳn là không nhiều cho dù trên chuyên mục Những chuyện khó tin nhưng có thật cháu cũng đã từng đọc được những tâm sự đau lòng nói về sự tàn nhẫn, bạc ác, vô lương tâm của cha mẹ đối với con cái trong đó có cả chuyện cha mẹ đẩy con đi làm gái điếm, hay cha mẹ tàn nhẫn giết chết con. Những trường hợp như thế không nhiều, không phổ biến nhưng không phải là không từng xảy ra. 

Như câu chuyện dượng rể ở Nghệ An chỉ vì tức em dâu mà dùng que sắt đánh hai cháu trai con của em dâu một bị chết, một bị dập não, sống thực vật đang được điều trị ở bệnh viện. Hay đến cha và mẹ đang tâm giết con như chuyện bà mẹ tẩm xăng đốt con vì bán vé số bị ế. 

Người cha mất nhân tính mang nhân tình về nhà ở, đuổi vợ ra khỏi nhà. Khi con trai 5 tuổi khóc đòi mẹ, người cha nhẫn tâm đánh chết con trai rồi vùi xác con ngay dưới nền nhà. Những câu chuyện kinh khủng, khó tin, không thể tin nổi như thế vẫn xảy ra và còn kinh khủng hơn nhiều vẫn là hiện thực trong cuộc sống này đấy thôi. Thế nhưng lúc đó, cháu còn nhỏ, chưa trưởng thành nên khi ba má cháu bắt hai chị gái của cháu tiếp khách thay má thì cháu đã không đủ sức để hiểu chuyện gì đang xảy ra ở gia đình cháu. Cháu chỉ thấy có gì đó rất sai trái trong việc làm của ba má cháu, của các chị. Trong nhà cháu là con út, vẫn được ba má cho đi học chứ chưa bắt nghỉ học như hai chị. Có lẽ vì cháu ham học, ham đọc sách, lại học giỏi hơn hai chị nữa nên ba má cháu có phần chiều chuộng cháu hơn trong việc để cho cháu được theo đuổi việc học. 

Nhưng sống trong môi trường đó, cộng với thi thoảng đến lớp vấp phải những câu hỏi chọc ghẹo của bạn bè nói ba má mầy bắt chị em mầy làm gái ôm à, cộng với những xì xào dị nghị của hàng xóm láng giềng nữa nên cháu cảm thấy rất ngại ngùng khi mỗi lần nói về gia đình... Những nhận thức về lẽ phải, về cuộc sống trở nên rõ ràng hơn khi cháu lớn lên, khi sự hiểu biết cũng như những quan điểm riêng của cháu về cuộc sống, về thế giới xung quanh bắt đầu được thiết lập rõ nét cháu bắt đầu cảm thấy xấu hổ về gia đình, về thân phận mình… (Còn nữa)

Tuyết Lan

Bạn đọc yêu quý! Lại một bi kịch xót xa của một người con gái viết về nỗi khổ và nguyên nhân sâu xa của việc cô bỏ nhà ra đi và không bao giờ còn muốn quay trở về. Nhưng khi đứng trước ngã rẽ quan trọng của đời mình, cô bắt buộc phải có những công khai về nhân thân, về hoàn cảnh gia đình, về xuất xứ quê hương bản quán với người chồng sắp cưới, cô đã cảm thấy bất lực. Cô rơi vào trạng thái hoang mang tuyệt vọng và viết thư cho chuyên mục để chia sẻ và mong BBT đưa ra cho cô ấy một lời khuyên cho lối thoát hiện tại. Cô ấy hận ba má mình và không muốn trở về nhà đã đành; nhưng cô ấy đang phải đối diện với sự giày vò lương tâm, nỗi sợ hãi khi gia đình bên chồng sắp cưới của cô nếu biết được sự thật, điều tra ra sự thật cô xuất thân trong một gia đình như vậy, vì đâu cô bỏ nhà ra đi thì họ sẽ nói gì với con trai họ đây? Chồng sắp cưới của cô có thông cảm cho hoàn cảnh của cô mà vẫn lựa chọn cô làm vợ không?

Câu chuyện của bạn Tuyết Lan còn dài, đoạn trường bỏ nhà ra đi của Tuyết Lan chúng tôi sẽ đề cập trên số báo tiếp theo. Kính mời quý độc giả đón đọc.

.
.
.