Chất tẩy rửa trong nhà cũng có thể trở thành "sát thủ"

Thứ Bảy, 07/10/2017, 09:01
Được đưa tới bệnh viện (BV) cấp cứu ngay sau khi bị dung dịch trong chai hoá chất thông bồn cầu văng phải vùng cằm và vùng cổ, nhưng anh Phạm Văn H.( 31 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) vẫn tá hoả khi được bác sĩ cho biết, anh sẽ phải trải qua ít nhất 3 tuần điều trị nữa, thậm chí có thể phải phẫu thuật cắt lọc vùng da hoại tử.


Sáng 6-10, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Cấp cứu Trưng Vương TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là một trong nhiều trường hợp tai nạn sinh hoạt trong nhà do bỏng hoá chất từ chất tẩy rửa thông thường. Do trong thành phần chai tẩy rửa thường là hoá chất có thành phần xút và chất kiềm, ba zơ gây bào mòn và ăn sâu dưới lớp da, gây vết bỏng sâu khi tác động trên da, cơ thể con người.

Vùng da bệnh nhân H. khi bị hoá chất văng phải  vào ngày thứ 3 đã trở nên có màu đen sẫm.

Được biết, anh H. ngay khi bị hoá chất văng phải vùng mặt chỉ thấy hơi ngứa nhưng ngay sau đó có cảm giác bỏng rát nhất là vùng cổ nên hoảng sợ tới BV ngay. BS Trần Lê Hồng Ngọc, trực tiếp điều trị cho nạn nhân cho biết, ngay khi vào khám cho thấy, vết bỏng đã gây chết vùng da bị tổn thương, và ăn sâu xuống lớp da. Qua ngày thứ 2, vết bỏng trầm trọng hơn, dù đã điều trị. May cho bệnh nhân này là hoá chất không văng trúng mắt. Vì nếu vào mắt sẽ gây bỏng giác mạc gây mù ngay.

Cũng theo BS Hồng Ngọc, hoá chất thông thường cũng rất nguy hiểm, dù đã pha loãng khi dùng cũng không thể chủ quan. BV Trưng Vương cũng từng tiếp nhận 1 Bệnh nhân từ tỉnh chuyển tới được xác định bị bỏng chất tẩy rửa nhưng bị văng trúng vùng mắt, gây bỏng giác mạc không cứu được đôi mắt. 

Hay có bệnh nhân nam cho biết đã đi ủng cao tới tận đầu gối, nhưng khi bị hoá chất văng phải người đã gây bỏng sâu từ vùng đầu gối trở lên đùi. Sau 10 ngày điều trị tại BV tỉnh không đỡ, bệnh nhân được chuyển lên BV Trưng Vương TP Hồ Chí Minh điều trị hơn 1 tháng mới khỏi, di chứng để lại là vùng sẹo xấu, dài khắp hai đùi… 

Theo TS BS Quốc Khanh, bỏng hoá chất khác bỏng lửa, và rất nguy hiểm. Nó có chứa chất kiềm nên khi tác động vào da con người, nó không dừng lại mà tiếp tục ăn sâu xuống dưới lớp da, nếu hoá chất mạnh có thể bỏng ăn sâu tới tận xương. 

Do vậy, việc sơ cấp cứu có vai trò rất quan trọng. Khi bị văng vào bất cứ nơi nào của cơ thể cần được sơ cấp cứu ngay bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước lạnh (không phải nước đá) và rửa liên tục 30 phút trở lên, sau đó mới tới BV. 

Khi được xối rửa trong vòng 30 phút sẽ làm giảm đi chất xút, kiềm dính trên da, vì xút bám trên da càng lâu, càng nhiều sẽ càng gây bỏng sâu. Khi bị bỏng nên đến gặp bác sĩ, không nên tự ý bôi bất cứ chất gì lên da vì sẽ càng làm trầm trọng hơn vết thương.

Huyền Nga
.
.
.