Cha mẹ cần làm gì để con không bị xâm hại?
- Bắt đối tượng xâm hại tình dục 2 cháu gái trong công viên
- Yêu cầu xử nghiêm các vụ xâm hại tình dục trẻ em
- Tăng cường phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em
- Tăng cường công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Chúng tôi hẹn gặp anh chị tại một căn phòng trong quán cà phê cách xa nơi ở của anh chị, bởi nội dung trao đổi liên quan đến việc con gái anh chị mới bị hàng xóm xâm hại, nên cần kín đáo. Vừa gặp chúng tôi, chị đã nước mắt vắn dài tự kể “tội” của mình: “Cũng tại em chủ quan, em nghĩ con em còn nhỏ, sang nhà hàng xóm chơi thì không sao. Với lại, cháu qua nhà ông ấy lớn tuổi thì yên tâm, nào ngờ chính ông ấy lại là kẻ đồi bại, làm hại con em”, chị P.T (mẹ của bé L) ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè cho biết.
Việc là, chị P.T ở nhà trông hai đứa con nhỏ, hàng ngày con gái (3 tuổi) vẫn qua nhà hàng xóm chơi, chị bận chăm sóc bé trai mới hơn 1 tuổi. Mấy ngày vừa qua, chồng chị có việc phải về quê, chiều 15-4, thấy cháu bị sốt và kêu đau “vùng kín”, chị nấu nước và pha ấm rửa cho cháu, nhưng cháu vẫn kêu đau. Tối đến cháu nói sảng và la hét, chị thấy cháu sốt cao nên tiếp tục cho uống thuốc hạ sốt.
Sáng ngủ dậy, cháu tiếp tục kêu đau vùng kín nên chị điện thoại báo cho chồng về đưa cháu đi bệnh viện khám. Về đến nhà, anh vội vã gặp con rồi hỏi han về việc vì sao con đau, thì cháu kể sự việc và nói bị “ông già” hàng xóm làm đau. Anh kêu chị kiểm tra vùng kín cháu thì thấy trầy xước và đỏ. Nghi là cháu bị xâm hại nên anh chị đưa cháu đến Công an xã Phú Xuân trình báo và được đưa đến Trung tâm Pháp y để giám định.
Trao đổi với PV Báo CAND, Công an xã Phú Xuân cho biết, vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện Nhà Bè để thụ lý theo thẩm quyền.
Trước đó vài ngày, chúng tôi cũng tiếp nhận một vụ xâm hại trẻ em do vợ chồng anh Nguyễn Q.T., ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn báo. Gặp chúng tôi, anh T nói được mấy câu rồi ngồi buồn rầu, chị thì khóc và trách bản thân lo làm ăn mà không dành nhiều thời gian chăm sóc con gái, để bây giờ xảy ra chuyện đáng buồn.
Con gái anh chị 11 tuổi, qua nhà hàng xóm là ông Tr chơi và bị ông này xâm hại. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng anh chị thuê ruộng ở gần nhà trồng rau bán nên tối ngày ở ngoài ruộng. Buổi chiều tranh thủ về lo cơm nước cho con rồi lại ra ruộng. Đến chiều con gái đi học về, thỉnh thoảng cháu mượn điện thoại của mẹ để qua nhà hàng xóm xin vào wifi lên mạng xem phim hoạt hình.
“Nhà tôi không có điều kiện để bắt wifi nên cháu thường qua nhà hàng xóm xin vào wifi xem phim, không ngờ ông ta làm chuyện bỉ ổi với con gái tôi, bây giờ cháu luôn hoảng sợ, đêm ngủ thì giật mình và la hét, cháu từ 21kg xuống còn 17kg…”, chị E (vợ anh T) vừa khóc vừa kể.
Anh chị đã đến cơ quan Công an trình báo vụ việc, Công an xã Đông Thạnh cho chúng tôi biết, vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện để xác minh làm rõ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, rất nhiều trường hợp đến Hội báo việc con họ bị hàng xóm xâm hại. Nhiều bậc cha mẹ chủ quan cho rằng con họ nhỏ, hàng xóm thì lớn tuổi đáng tuổi cha chú, tuổi ông, thì không thể xảy ra việc xâm hại bé. “Sự chủ quan của cha mẹ đã tạo cơ hội cho kẻ xấu xâm hại bé”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Khi con là nạn nhân của việc bị dâm ô, xâm hại tình dục, không ít phụ huynh chọn cách im lặng vì xấu hổ, sợ hãi, nhiều bé đã tự tử vì xấu hổ.
Theo bà Nữ, các bậc phụ huynh cần luôn để mắt tới con cái, không để trẻ đi một mình qua hàng xóm, đến chỗ đông…; trong trường hợp nếu phát hiện con có dấu hiệu bị xâm hại, sau phút sốc, đau lòng, cha mẹ nên bình tĩnh làm ngay những việc sau: Cần cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ, động viên vỗ về tạo tâm lý an tâm cho con, nếu cần thiết có thể tìm đến các chuyên viên tâm lý để cả trẻ và cha mẹ được hỗ trợ tâm lý, báo cho hội phụ nữ để được hỗ trợ thêm.
Bên cạnh đó, cha mẹ phải giữ lại những vật chứng liên quan vụ việc như quần áo, quà tặng,… và không tắm, không thay quần áo cho trẻ khi phát hiện sự việc.
Mở điện thoại lên ghi âm lại việc hỏi thông tin từ trẻ để sau này có tư liệu làm việc với các cơ quan chức năng, không nên để con phải kể đi kể lại nhiều lần chuyện bị xâm hại để tránh gây tổn thương thêm cho trẻ.
Ngay sau đó đưa con đến cơ quan Công an nơi gần nhất để tố cáo và yêu cầu giám định pháp y. Rồi đưa con đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt, nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất.
Nếu trẻ đang đi học, cha mẹ cần liên hệ với giáo viên, nhà trường để giúp con tiếp tục đi học và không để bạn bè chế nhạo, ảnh hưởng đến việc học hành của bé. Người thân nên dành nhiều thời gian ở bên trẻ, nhất là lúc ngủ, cần động viên, an ủi trẻ, thể hiện yêu thương từ cha mẹ...
“Qua quá trình làm việc, tôi thấy các cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc tiếp xúc với trẻ bị xâm hại. Hầu hết xảy ra việc bé gái bị xâm hại, khi làm việc, phần lớn cán bộ là nam tiếp xúc với trẻ, càng làm cho các bé sợ hãi. Do đó, theo tôi tiếp xúc làm việc với trẻ gái nên để cán bộ nữ, còn tiếp xúc với trẻ em trai nên là cán bộ nam. Cha mẹ hoặc người giám hộ cần ở bên trẻ khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ ai”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Trước tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Tiến sĩ Vũ Thị Thuý, giảng viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, có hai vấn đề cốt lõi cần giải quyết: Về phía gia đình, cha mẹ cần quan tâm, giáo dục, chăm sóc con, lấy chính mình làm tấm gương cho con cái noi theo.
Một mặt, dạy cho con biết đạo hiếu, lễ, nghĩa, tôn trọng các quy tắc đạo đức, pháp luật để không có hành vi làm tổn thương, xâm hại người khác. Mặt khác, cha mẹ dạy con các kỹ năng phòng, tránh bị xâm hại, luôn là người bạn tin cậy của con.
Về phía nhà nước, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và cụ thể để xử lý mọi hành vi xâm hại trẻ em tương xứng với tính chất mà mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Như vậy mới đảm bảo việc bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả.