Cấp thiết phổ cập bơi để phòng chống đuối nước cho trẻ

Thứ Ba, 13/06/2017, 07:35
Dù mới bắt đầu mùa hè nhưng trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em đuối nước thương tâm. Những vụ việc đau lòng vẫn lặp lại hằng năm luôn nhắc nhở trách nhiệm của người lớn đối với sự an toàn của trẻ nhỏ. 


Theo UNICEF, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em bị chết đuối, tỷ lệ đuối nước tăng cao vào những tháng nghỉ hè. Những tai nạn này cho thấy cần khẩn trương trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh bằng các chương trình dạy bơi trong nhà trường.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) là một điển hình trong phong trào phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Năm 2016, Cầu Giấy trở thành điểm sáng khi đã triển khai dạy bơi miễn phí cho hơn 2.500 trẻ em trong dịp hè.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: Từ năm 2015, quận đã triển khai tổ chức các lớp phổ cập bơi miễn phí bằng ngân sách của quận. Những trường học khi xây mới đều xây dựng bể bơi đạt chuẩn. Vì vậy, học sinh ở Cầu Giấy học bơi rất đông. Để thực hiện kế hoạch, quận Cầu Giấy đã tích cực huy động mọi nguồn lực về con người, cơ sở vật chất để thực hiện chiến lược nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, giúp các em có tuổi thơ an toàn.

Một lớp phổ cập bơi tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân.

Ngoài việc đầu tư nâng cấp bể bơi tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao, trong những năm qua, hệ thống các bể bơi bốn mùa trong trường học được quận đầu tư xây mới để học sinh được học bơi trong các giờ thể thao theo chương trình tự chọn. Trẻ đi học bơi sẽ rèn luyện sức khoẻ, có thêm một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống.

Phần lớn các bậc phụ huynh đều đồng tình với chủ trương phổ cập bơi lội, ủng hộ cho con đi học bơi và cho rằng, nếu các cháu chẳng may gặp nguy hiểm thì bố mẹ cũng yên tâm hơn, nhất là khi đi bơi, đi biển hay đến những nơi có nhiều ao, hồ.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: Việc triển khai phổ cập bơi lội đã diễn ra từ lâu. Dù trên địa bàn có nhiều ao, hồ nhưng vài năm trở lại đây, gần như không có học sinh nào bị đuối nước.

Trước đây, việc đầu tư xây bể bơi trong trường học còn gặp nhiều khó khăn, do đó, từ năm 2015, quận đã liên tiếp triển khai các lớp phổ cập bơi miễn phí. Học sinh đăng ký học bơi miễn phí từ các trường sẽ được tổ chức thành lớp học tại Trung tâm Thể dục Thể thao quận, có giáo viên chủ nhiệm đi kèm, phổ cập bơi cho học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. 100% nguồn kinh phí từ ngân sách quận. Kết thúc khóa học, học sinh sẽ được kiểm tra đánh giá, cấp chứng chỉ.

Theo bà Trịnh Thị Dung, hai yếu tố quyết định cho công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước là cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên dạy bơi đều được quận Cầu Giấy chuẩn bị cẩn thận. Với lợi thế có 3 bể bơi bốn mùa khang trang, chất lượng nước đảm bảo, năm nay 2017, quận Cầu Giấy đặt mục tiêu phổ cập bơi cho 2.500 em từ Tiểu học đến THCS trên toàn địa bàn. Lớp học năm nay sẽ được triển khai ở 4 bể bơi, chia ra làm 3 đợt, từ 2-6 đến 25-7, dưới sự huấn luyện của 25 giáo viên bơi lội. Cuối mỗi đợt, các em sẽ được kiểm tra trình độ.

Thông qua lớp học, các huấn luyện viên sẽ hướng dẫn cho các em biết bơi một kiểu, đồng thời trang bị kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước để các em bổ sung kiến thức vào hành trang kỹ năng sống của mình.

Tại quận Thanh Xuân, dù còn khó khăn về quỹ đất đầu tư xây dựng bể bơi, nhưng năm 2016, tổng số học sinh lớp 5 biết bơi là 2.845 em, đạt tỷ lệ 97% học sinh đủ sức khoẻ biết bơi.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, Thanh Xuân đang nỗ lực đạt mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh lớp 4, 5 và tiến tới các lớp nhỏ hơn. Để đạt được mục tiêu này, UBND quận Thanh Xuân đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp.

Đối với những trường gần với các trung tâm thể thao, doanh nghiệp có bể bơi, quận hỗ trợ miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh. Nhà trường và phụ huynh trả phần kinh phí đi lại và thù lao cho giáo viên dạy bơi. Với các trường học không gần bể bơi, quận sẽ hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy, thuận tiện cho việc đi lại của học sinh. Mỗi khoá bơi thời gian tối đa từ 10 đến 12 buổi, mỗi buổi 1 giờ. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh biết bơi 25m đúng kỹ thuật.

Mô hình bể bơi thông minh có nhiều ưu điểm nổi bật như: dễ dàng lắp ghép, di chuyển, tận dụng được diện tích không gian, tiết kiệm chi phí xây dựng bể bơi, phù hợp với dạy bơi đại trà trong các trường. Trường Tiểu học Kim Giang là một trường ở xa trung tâm, được lựa chọn lắp bể bơi thông minh. Mỗi buổi dạy có khoảng 20 học sinh.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, họ mong muốn có chương trình dạy bơi miễn phí vì mức học phí 600.000 – 800.000 đồng/khóa học như hiện nay thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện.           

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động hè năm 2017 của Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong dịp hè năm nay là triển khai nhiều lớp dạy bơi cho học sinh, nhất là tại những nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối.

Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây bể bơi mini hoặc lắp đặt bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Dự kiến, năm 2017, khoảng 17 nghìn học sinh biết bơi.

Bên cạnh đó Sở cần khuyến khích các địa phương, trường học chú trọng dạy bơi và lựa chọn phương pháp học phù hợp với địa bàn. Hiện nay môn bơi trong trường học là môn thể dục tự chọn, không bắt buộc, tuỳ vào điều kiện từng địa phương để lựa chọn giảng dạy.
Nhật Trường
.
.
.