Phượt thủ 76 tuổi và những 'mùa đi' tìm hiểu văn hóa Việt

Thứ Ba, 21/04/2015, 11:55
Có những cung đường ngăn bước chân người trẻ ngay từ trong suy nghĩ, nhưng đôi khi lại không thể ngăn nổi dấu chân của những người gìa đã sang phía bên kia dốc cuộc đời. Bác Xuân Anh (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong số những phượt thủ bất chấp những giới hạn của tuổi tác để chinh phục những cung đường trên khắp nẻo đất nước.

Mùa thu, cùng bạn đồng hành… đến hẹn lại lên

Đã 10 năm nay rồi, cứ vào độ thu, cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch, bác Xuân Anh (76 tuổi, Hà Nội) lại cùng bác Hữu Hào (78 tuổi, t.p Hồ Chí Minh) cùng vạch những lộ trình phượt dài ngày (từ 20 ngày đến một tháng). Hai người kẻ bắc, người nam, người tay lái lụa, người là kĩ sư quy hoạch rừng nhiều năm, am hiểu địa hình rừng núi, đặc điểm văn hóa vùng miền đã trở thành cặp đôi “hoàn hảo” cùng nhau rong ruổi những cung đường trên khắp đất nước trong những năm qua.

Phượt thủ Xuân Anh (76 tuổi) lật giở lại những tấm bản đồ còn in nét bút đỏ đánh dấu những cung đường đã qua cùng người bạn đồng hành.

Bác Xuân Anh chia sẻ: “Trước khi tôi gặp anh Hào, tôi đã nhiều lần ra sức thuyết phục gia đình cho tôi đi phượt, nhưng không được vợ con ủng hộ vì lo cho tôi sức khỏe tuổi già, lại không có người đồng hành. Nhưng tình cờ anh Hào và tôi gặp nhau trong một dịp họp mặt họ hàng ở quê, khi biết được có người cùng chung ý tưởng với mình, “cá nước gặp nhau” thì tất cả rào cản giữa chúng tôi và những cung đường đều bị phá bỏ. Năm 2007, chúng tôi hồi hộp lên lịch trình cho chuyến đi dài bằng xe máy đầu tiên của đời mình, khi ở cái tuổi xế chiều.”

Hơn ai hết, ở tuổi thất thập cổ lai hy, bác Xuân Anh ý thức được về thời gian và sự hữu hạn của đời người. Bao nhiêu năm miệt mài làm việc trong Viện hóa, đi công tác nước ngoài, đến nhiều nơi trên khắp cả nước, nhưng chưa thỏa mãn với những cuộc “cưỡi ngựa xem hoa” tìm hiểu văn hóa, không biết từ bao giờ bác đã “nuôi mộng” được rong ruổi trên chiếc xe máy để đến tận sâu, để được đắm mình trong văn hóa vùng miền. Để rồi, đến già, khi về hưu, tưởng chừng như ước muốn đam mê thời trai trẻ đã nguội lạnh, thì ngọn lửa ấy lại một lần được thổi bùng lên. Quỹ thời gian không còn nhiều nữa, nhưng ước muốn đặt chân lên thật nhiều vùng đất lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lên đường khi còn có đủ sức khỏe để sau này già yếu “miệng nói chân không bước” thì cũng không phải hối hận. Vậy là hàng năm vào độ tháng 9, tháng 10, ông già U70 lại cùng người bạn đồng hành của mình “xách balo lên và đi”.

Bác Xuân Anh, cùng bác Hữu Hào giao lưu cùng những người bạn nước ngoài trong một phiên chợ Sa Pa.

Đến vùng nào, địa điểm được bác Xuân Anh yêu thích nhất là cái chợ, bởi theo bác chợ là nơi đậm đặc nét văn hóa của từng vùng miền nhất, nên muốn hiểu văn hóa ở vùng nào, hãy vào chợ quan sát, lắng nghe và cảm nhận. Những phiên chợ trâu bò (Cán Cấu), chợ ngựa (Bắc Hà)…là những phiên chợ bác đã đi bao lần mà không chán, và mỗi lần đi đều mang lại cho bác những dư vị khác nhau.

Những mùa còn lại là của…bạn đời

Sau một tháng rong ruổi đường trường bên bạn đồng hành, 11 tháng còn lại bác Xuân Anh lại cũng chạy miết trên những con đường ngắn với lộ trình 300 km trở lại cùng người bạn đời. Bác thường xuyên đưa bác gái đi chùa, đi lễ hội, đi biển…“Bà nhà tôi bị say ô tô, nên nếu bảo cho bà đi du lịch ở đâu bằng ô tô thì nhất định không đi. Nghĩ thương bà cả cuộc đời lo lắng cho gia đình chẳng đi đâu, giờ về già rồi cần được biết đây biết đó để sau này chết đi không hối tiếc. Tôi đã quyết định đưa bà đấy đi đến bất kì đâu bà ấy muốn bằng chiếc xe máy của tôi.” – bác Xuân Anh chia sẻ.

Sau một chặng đường dài đi xe máy từ Hà Nội tới Ninh Bình, bác Xuân Anh cùng vợ chèo thuyền đi thăm khu sinh thái Tràng An.

Cũng từ năm 2007, những chuyến đi trong ngày hay đôi ba ngày của hai bác diễn ra thường xuyên như: đi chùa Bái Đính (Ninh Bình), hay đi Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), đi chùa Cái Bầu (Quảng Ninh)… Và 10 năm nay rồi, chưa năm nào bác không đưa bác gái đi chơi Hội Lim, nghe hát quan họ, đắm mình trong không gian của vùng Kinh Bắc. Thậm chí, năm 2013 bác Xuân Anh và vợ cùng bay vào thành phố Hồ Chí Minh sau đó, bác mượn xe máy của một người bạn đưa vợ đi khắp các vùng miền trong. Bác thường cười đùa với mọi người khi được hỏi sao không đi cùng con cháu: “Cả đời vất vả nuôi con, giờ con cái trưởng thành rồi, đến lúc hai ông bà lại “hồi xuân” lãng mạn riêng tư. Đi đôi để cùng cảm nhận cuộc sống một cách tự do mà không bị vướng bận con cái, cháu chắt.”

Hành trang cho bốn “mùa đi”

Để chuyển bị cho những chuyến đi dài hàng tháng trời với bác Hữu Hào, cùng những chuyến đi ngắn hơn với vợ, mà lại là người lái xe xuyên suốt cuộc hành trình thì việc làm sao giữ được sức khỏe tốt luôn là điều bác Xuân Anh đặt lên vị trí hàng đầu, sau đó mới tính đến kinh phí và thời gian. Vì vậy, nên ngày nào bác cũng dậy từ lúc 4 rưỡi sáng để đi bộ đến 6 giờ và dành thêm một tiếng nữa để tập những động tác thể dục nhẹ nhàng điều hòa cơ thể và rèn luyện sự dẻo dai. Kết hợp với chế độ ăn phù hợp và luôn giữ tinh thần thư thái, lạc quan để không thấy mình “già”…những điều đó đã giúp bác Xuân Anh trinh phục được những cung đường dài ngắn mà nhiều bạn trẻ còn e dè.

Bác Xuân Anh nghỉ chân cùng “con tuấn mã” sau một ngày đi đường.

Càng đi, càng gắn bó, càng yêu “con tuấn mã” Wave alpha của mình. Bác luôn chăm sóc nó cẩn thận, đi bảo dưỡng định kì và quan trọng trước mỗi chuyến đi đều mang nó đi kiểm tra và sửa chữa, thay mới một số bộ phận để đảm bảo an toàn.

Và gần như không thể thiếu trong hành trang của bác mỗi chuyến đi là chiếc máy ảnh kĩ thuật số nhỏ, gọn, giúp bác ghi lại những hình ảnh thiên nhiên và con người những vùng miền mà bác đi qua. Bác yêu thích chụp lại các khoảnh khắc rất đời thường của những người vùng cao. Bác thường chụp ảnh họ và xin địa chỉ rồi về Hà Nội rửa ảnh gửi tặng họ. Một việc làm nho nhỏ, nhưng là niềm vui lan tỏa đối với bác Xuân Anh.

Trong năm nay, hai phượt thủ U70 dự kiến chinh phục điểm cuối cùng mà chưa đặt chân tới trên đất Việt là những cung đường miền Tây Nam Bộ và chinh phục điểm cực nam của Tổ quốc.

Nguyễn Quỳnh
.
.
.