Nên cảnh báo giông lốc qua kênh phát thanh

Thứ Hai, 15/06/2015, 15:32
Hà Nội vừa xảy ra cơn giông lốc, làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của con người trong thời điểm Quốc hội đang thảo luận về Luật khí tượng thuỷ văn. Bên lề kỳ họp, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) về giải pháp nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, thiên tai hiện nay.

PV: Cảm nhận của bà trước những thiệt hại mà Hà Nội phải chịu?

Cơn giông lốc vừa xảy ra ở Hà Nội chiều tối ngày 13/6 gây thiệt hại rất lớn, hơn 1300 cây xanh và rất nhiều tài sản của người dân đã bị hỏng hóc… , đau buồn hơn nữa là đã có 2 người chết, 5 người bị thương. Đây là trường hợp hiếm có, là thiên tai không ai lường trước được, dù ta có chuẩn bị đến mấy cũng rất là khó vì nó quá bất ngờ và với cường độ rất cao. 

Tuy nhiên, đã có 2000 người thức trắng đêm để giải quyết, khắc phục hậu quả thảm hoạ, tôi cho đó là ý thức tốt của cộng đồng. Rồi trong khi giông lốc thì mọi người không ai bảo ai, không quản ngại mưa giông mà thấy tai nạn là dừng lại cứu người, là hành động đẹp, thể hiện ý thức vì cộng đồng, cần phải tuyên dương… 

Vấn đề bây giờ là làm thế nào dự báo trước được tốt hơn và chuẩn bị tất cả tình huống để đối phó. Trong quá trình thảo luận về Luật phòng, chống thiên tai, rủi ro chúng tôi đều thống nhất rằng, chống thì khó chống rồi, chỉ có là tìm cách phòng tránh các thiên tai, rủi ro xảy ra.

Đại biểu Bùi Thị An trả lời phỏng vấn Báo CAND bên lề kỳ họp.

PV: Muốn phòng tránh thì người dân phải được dự báo trước?

Phải thừa nhận một điều, trong công tác dự báo, rất khó có thể dự báo đúng chính xác 100%, nhưng bên khí tượng cũng phải rút kinh nghiệm thêm. Dự báo như vừa qua là quá ngắn, dân không thể ứng phó được. Nếu cần thêm thiết bị hiện đại hơn thì Nhà nước cũng nên đầu tư. Nói quy trách nhiệm thì hơi khó nhưng từ giờ trở đi bên khí tượng thuỷ văn cần nâng cao chất lượng dự báo. Chúng tôi không yêu cầu chính xác 100%, nhưng ít nhất phải dự báo cách xa bao nhiêu tiếng, nếu những vụ lớn như thế này mà dự báo được thì chúng tôi đánh giá rất cao.

PV: Nhưng nhiều người dân cho rằng họ không biết tin cảnh báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia?

Tôi đồng ý phương thức thông báo rộng rãi hơn, để thông tin phải đến được người dân, đến càng sớm càng tốt, chứ ví dụ người nông dân thì làm sao đọc được trên website của trung tâm, rồi người đang đi trên đường cũng vậy. Tôi cho rằng phải thay đổi để làm sao người nông dân đang làm đồng cũng nghe được ở đâu đấy…

PV: Nên chăng thông báo qua kênh phát thanh, thưa đại biểu?

Tôi ủng hộ. Hà Nội hiện có hệ thống loa phát thanh đến từng khu dân cư, ngõ ngách cho nên phải thông báo đến rộng rãi người dân bằng phương thức như thế. Ngoài đường thì qua loa phát thanh của lực lượng CSGT. Ngay cả vụ việc vừa rồi bên khí tượng có thể gọi đến các đài truyền hình, phát thanh là được ngay, ai cũng sẵn sàng phối hợp, sẵn sàng ngừng tất cả thông tin khác để thông báo về sự việc này. Chúng ta phải chủ động hơn, đặt mạng sống và quyền lợi của người dân lên trên hết. Cử tri không yêu cầu chính xác 100% nhưng phải nâng cao trách nhiệm và chất lượng công tác dự báo.

PV: Về việc trồng và thay thế cây xanh, Hà Nội có nên nghiên cứu lại?

Vừa rồi nhiều cây đổ đã gây ra một chuyện không tốt cho Hà Nội, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ. Cũng qua sự việc này, tôi nghĩ tới đây Hà Nội cần nghiên cứu lại nên trồng cây gì và trồng như thế nào để phù hợp với thổ nhưỡng của Hà Nội và mang tính bền vững. Ví dụ cây rễ cọc chứ không phải rễ chùm, cây gì vừa đảm bảo độ xanh mát, có tán, vừa bảo vệ môi trường vừa tránh rủi ro xảy ra bất ngờ nhất…

Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Vinh
.
.
.